Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông các động lực cho phát triển kinh tế - xã hội
28-1-2023

Năm 2022, với trọng tâm ưu tiên cho phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025”, bảo đảm phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. 

Huy động nguồn lực xã hội, từng bước phát triển hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đóng góp tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người thu nhập thấp, người yếu thế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tăng cường hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các tổ chức quốc tế về lĩnh vực lao động, việc làm. Triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Hướng dẫn triển khai đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên thông qua việc liên kết đào tạo và đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý lao động cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động. 

Kịp thời ban hành nhiều giải pháp, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. NSNN bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng. 

Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, địa phương có giải pháp thiết thực cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là vật tư chiến lược (xăng dầu, than, phân bón...); xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ các địa phương khi giáp hạt, khắc phục hậu quả thiên tai… Các địa phương chủ động, tích cực rà soát, kiểm tra thực tế ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. 

Công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ pháp lý, phục hồi doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, đảm bảo thực chất, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy nhanh và quyết liệt hơn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp để quán triệt quan điểm và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng để đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành, đánh giá nỗ lực cải cách quy định, cải thiện môi trường kinh doanh. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, thúc đẩy số hóa, tái sử dụng dữ liệu trong công tác giải quyết TTHC để giảm bớt yêu cầu người dân xuất trình, nộp hồ sơ; giao Văn phòng Chính phủ tăng cường đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác này đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, đây là công cụ giúp kiểm soát hoạt động thực thi giải quyết TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. 

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Chỉ thị về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 và 05 Quyết định phê duyệt các Đề án, Chiến lược để thúc đẩy phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, hình thành các dữ liệu dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bảo đảm tiêu chí dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; đồng thời, tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát, làm việc với các địa phương về triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án. Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng chính phủ điện tử tiếp tục được vận hành, phát triển góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ chỉ đạo, điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử tạo thuận lợi người dân, doanh nghiệp. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới về chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index) - tăng 05 bậc so với năm 2020. Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, hộ tịch điện tử, đăng ký doanh nghiệp cũng đạt được nhiều tiến bộ tích cực.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu của Luật Cư trú năm 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31 tháng 12 năm 2022. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, ban hành trước 31 tháng 12 năm 2022; tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ. Với nhiều giải pháp đồng bộ, phát triển kinh tế số, xã hội số trong năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể cho sự phục hồi và phát triển kinh tế. Người dân ngày càng dễ tiếp cận, khai thác và sử dụng các dịch vụ số của chính quyền và doanh nghiệp./.

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:423