Kỷ niệm 110 năm kinh tế tỉnh Kon Tum phát triển vượt bậc
4-2-2023
Kỷ niệm 110 năm kinh tế tỉnh Kon Tum phát triển vượt bậc
CT

Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, được tái thành lập vào tháng 8-1991 (tách ra từ tỉnh Gia Lai-Kon Tum); có đường biên giới dài 292,522 km (giáp Lào 154,222 km, giáp Campuchia 138,3 km). Diện tích tự nhiên 9.676,5 km2; dân số toàn tỉnh khoảng 569.000 người với 43 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, có 07 dân tộc thiểu số tại chỗ​ (Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm, Giẻ Triêng, Hre).

Với lịch sử 110 năm hình thành và phát triển, cùng với các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật rừng đã tạo cho địa phương nhiều tiềm năng, thế mạnh riêng biệt.

Kon Tum có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, thuộc khu vực Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, nơi có “Cột mốc Quốc giới ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia” và trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương. Kon Tum nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây (biển và lục địa) và vòng cung kinh tế Duyên hải Trung bộ; thuận lợi kết nối liên vùng theo các Quốc lộ 14, Quốc lộ 40, Quốc lộ 24…kết nối thuận lợi đến các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Kon Tum có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế nông lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng lớn như cà phê, cao su, mắc ca, mía đường, rau - hoa xứ lạnh; các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng Sâm và các loại được liệu quý hiếm khác; trồng rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển đàn bò thịt, bò sữa, dê, thủy sản nước ngọt và cá tầm xứ lạnh...; sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa độc đáo với nhiều điểm đến hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng còn nguyên vẻ hoang sơ như Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng đặc dụng Đăk Uy,… cùng với các địa danh, di tích được xếp hạng quốc gia như Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei…

Phát huy những tiềm năng, lợi thế, từ 1 tỉnh nghèo, Kon Tum đã dần “thay da, đổi thịt”. 20 năm qua (2002 - 2022), kinh tế của tỉnh Kon Tum đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên, quy mô của nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 21 lần so với năm 2002, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, tăng khoảng 10 lần. Riêng các năm 2020, 2021 chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng lần lượt chỉ đạt 6,77% và 6,47%; tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước. 

Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 15.076 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với năm 2002 (940 tỷ đồng) và tăng gần gấp 2 lần so với năm 2011 (7.840 tỷ đồng). Tính theo giá hiện hành, GRDP năm 2020 đạt 24.003 tỷ đồng, tăng gấp 21,3 lần so với năm 2002 (1.127 tỷ đồng) và tăng gấp 2,33 lần so với năm 2011 (10.300 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm cao trong vùng Tây Nguyên. Đến năm 2022, GRDP đã tăng lên 17.627 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, đứng thứ 19 cả nước và thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau tỉnh Lâm Đồng). 

Cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực và rõ nét; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP giảm từ 44,8% năm 2002 xuống còn 19,75% năm 2020; ngành công nghiệp, xây dựng từ 18,9% tăng lên 26,83%; ngành dịch vụ từ 36,3% tăng lên 44,8%. Năm 2022, Nông - Lâm - Thủy sản tăng 6,19%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 14,88% và dịch vụ tăng 8,03%. Nhìn chung, các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 đạt 43,2 triệu đồng/người, gấp 13,4 lần so với năm 2002 (khoảng 3,22 triệu đồng/người). Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện khá, từ 2,86 triệu đồng/người/năm vào năm 2001 tăng lên 28,5 triệu đồng/người năm 2020, tăng khoảng 10 lần. Năm 2022, GRDP bình quân đầu người là 52,44 triệu đồng/năm, đạt 100,84% kế hoạch.

Thu, chi ngân sách có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2002-2020. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 162 tỷ đồng lên 3.032 tỷ đồng, tăng gấp 18,7 lần. Số thu ngân sách bình quân qua các giai đoạn tăng đáng kể, từ 226 tỷ đồng giai đoạn 2002-2005 tăng lên 2.774 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020. Năm 2022 là trên 4.000 tỷ đồng, đạt 101,25% dự toán giao. 

Tổng chi ngân sách địa phương tăng từ 629 tỷ đồng năm 2002 lên 7.843 tỷ đồng năm 2020, mức tăng khoảng 12,5 lần, bình quân giai đoạn tăng 16,3%/năm. Năm 2022 là 10.140 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao và tăng qua các năm; năm 2020 đạt 16.499 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm 2002 (951 tỷ đồng) và gấp 2,7 lần so với năm 2011 (5.949 tỷ đồng). Tăng trưởng bình quân tăng rất cao, giai đoạn 2002-2020 đạt 20,8%/năm. Năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 23.174 tỷ đồng, đạt 100,76% kế hoạch và tăng 15,87% so với cùng kỳ. 

Với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, nên số hộ nghèo trong tỉnh cũng giảm đáng kể qua từng năm. Năm 2022, có 6.781 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 15.200 hộ nghèo theo tiêu chí mới.  

Năm 2023, tỉnh Kon Tum phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; Cơ cấu kinh tế: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản 19-20%, Khu vực Công nghiệp và Xây dựng 31-32%, Khu vực Dịch vụ 41-42%; GRDP bình quân đầu người trên 57 triệu đồng; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4.500 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 27.000 tỷ đồng trở lên (trong đó vốn đầu tư khu vực tư nhân 20.400 tỷ đồng). 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Kon Tum xác định tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá và tầm nhìn dài hạn để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ; không ngừng nâng cao tiềm lực và sức cạnh tranh, phát triển nhanh hơn, bền vững, trở thành trung tâm của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, sánh ngang với các tỉnh phát triển trong khu vực và cả nước. 

Với truyền thống hào hùng, vẻ vang của 110 năm Ngày thành lập tỉnh và với tinh thần đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng, Kon Tum ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:324