khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 |
15-2-2023 |
Ngày 15/02/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 372/UBND-KGVX về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung sau: Khẩn trương rà soát, có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế và triển khai thực hiện các nội dung kiến nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương rà soát, xác định, xây dựng và triển khai các nội dung, hoạt động, nhiệm vụ Chương trình; kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình. Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với đối tượng, địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Chương trình. Kịp thời động viên, khuyến khích nhằm phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện Chương trình đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghiêm túc triển khai thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4213/UBND-KTTH ngày 12/12/2022; đồng thời, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện Chương trình bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh về tỷ lệ đối ứng giữa các cấp ngân sách thực hiện Chương trình. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giao, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình; trong đó quyết liệt triển khai kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao năm 2023 trên cơ sở các văn bản hướng dẫn đã được ban hành; lựa chọn các nội dung, dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có khả năng triển khai và đảm bảo tiến độ giải ngân vốn trong năm 2023; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất tiến độ giải ngân vốn được giao trong năm 2023 bảo đảm hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn. Đẩy mạnh phân cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình. Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố: thực hiện phân bổ và giao chi tiết dự toán thực Chương trình năm 2023 cho các đơn vị, các cấp sử dụng ngân sách trực thuộc đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Chương trình, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh và các quy định có liên quan. Đồng thời, chủ động cân đối nguồn kinh phí ngân sách địa phương được giao dự toán hàng năm, nguồn ngân sách cấp huyện, xã theo phân cấp để cân đối bố trí, kết hợp lồng ghép vốn đối ứng cho từng dự án, tiểu dự án, đảm bảo tối thiểu 10% tổng ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình theo quy định. Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 2844/UBND-KGVX ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh. Ban Dân tộc tiếp tục theo dõi, cập nhập và triển khai kịp thời nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về định mức và cơ chế đầu tư hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cứng hoá đường đến trung tâm xã, xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ; xây dựng ban hành Đề án Chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện Chương trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổng hợp, đề nghị hoặc tham mưu UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban Dân tộc, các Bộ, ngành trung ương liên quan kịp thời hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách đối với các thôn đặc biệt khó khăn đã được Uỷ ban Dân tộc công nhận tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khi xã được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện các nội dung của Chương trình.
|
Thanh Thúy - ipckontum |
Số lượt xem:366 |