Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 03 - 07/4/2023
7-4-2023
Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 03 - 07/4/2023
CT

Phê duyệt địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH cần thực hiện chuyển hoá năm 2023; Chỉ đạo tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ Sở Thông tin và Truyền thông Kon Tum; Ban hành quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; Ban hành quy định phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh; Điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 03 - 07/4/2023. 

Phê duyệt địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH cần thực hiện chuyển hoá năm 2023 

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, TNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh vừa ban hành Quyết định số 934/QĐ-BCĐ ngày 03/4/2023 phê duyệt 04 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển hóa năm 2023, cụ thể: 03 xã, phường trọng điểm, phức tạp về tội phạm xâm phạm TTXH và TNXH (Phường Ngô Mây - TP. Kon Tum, xã Đăk La - huyện Đăk Hà, xã Đăk Xú - huyện Ngọc Hồi); Phường Trường Chinh - TP. Kon Tum là địa bàn trọng điểm về tội phạm và tệ nạn ma túy. 

Chỉ đạo tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT 

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, tại Công văn số 932/UBND-KGVX ngày 03/4, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); tranh thủ sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và xã hội đối với việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và đổi mới trong giáo dục đào tạo. 

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; Quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết cho các cơ sở giáo dục đảm bảo công tác dạy và học; Ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục gắn với đảm bảo các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa 2018 tại địa phương... 

Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ Sở Thông tin và Truyền thông Kon Tum 

Theo Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 04/4 của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh, truyền hình; thông tin điện tử; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử, chuyển đổi số tại địa phương. 

Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 11/2022/TT-BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thông tin và Truyền thông thuộc UBND tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND cấp huyện. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao và theo quy định của pháp luật. 

Ban hành quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh 

Tại Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 04/4, UBND tỉnh ban hành quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn cồng kềnh, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải nguy hại. Quy định không áp dụng cho quản lý chất thải rắn xây dựng, chất thải y tế.

Theo quy định, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng; tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. 

Đồng thời, khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.

Ban hành quy định phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh 

Tại Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 06/4, UBND tỉnh quy định điều chỉnh việc phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum về: Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 05 năm và hằng năm; Quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và các dự án khác có liên quan; Tổ chức quản lý, điều hành các chương trình MTQG. 

Việc thực hiện theo nguyên tắc: Tăng cường phân cấp và trao quyền đến chính quyền cơ sở; cấp tỉnh chỉ đảm nhận các công việc, nhiệm vụ, hoạt động theo quy định về phân cấp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hoặc khi cấp cơ sở không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả; Công khai, minh bạch, dân chủ; phát huy sự chủ động, tính linh hoạt của cấp cơ sở; huy động tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội; Phân cấp gắn liền với đào tạo, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện cho tổ chức bộ máy các cấp; đi đôi giữa quyền với trách nhiệm; đề cao vai trò người đứng đầu. 

Theo đó, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp tỉnh; UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện; UBND cấp xã quyết định thành lập Ban quản lý cấp xã; công nhận Ban phát triển thôn từ đề nghị của cộng đồng dân cư; chứng thực cộng đồng dân cư có đề xuất dự án phát triển sản xuất. 

Điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 

Ngày 06/4, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 với 154 dự án, cụ thể: Lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp 69 dự án; lĩnh vực Công nghiệp 14 dự án; lĩnh vực Văn phòng - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch 40 dự án; lĩnh vực Đầu tư phát triển đô thị 31 dự án. 

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 02/8/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Danh mục dự án thuhút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. 

Thành lập Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kon Tum 

Tại Quyết định số 115/QĐ-UBND ngày 06/4, UBND tỉnh thành lập Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kon Tum (Kon Tum Provincial Mental Hospital) trực thuộc Sở Y tế. Trụ sở làm việc tại số 138 đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum. 

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kon Tum là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng III; đơn vị sự nghiệp y tế công lập; Thực hiện khám, điều trị, phòng bệnh, chăm sóc, quản lý, phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh thực hiện một số chuyên môn khác có liên quan theo quy định của pháp luật. 

Giai đoạn 2023-2025, Bệnh viện có quy mô 50 giường bệnh. Ngoài lãnh đạo Bệnh viện, có các tổ chức trực thuộc gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính - Kế hoạch - Tài chính và 4 Khoa: Khám bệnh - Cấp cứu - Điều trị; Trị liệu tâm lý - Phục hồi chức năng - Chăm sóc - Dinh dưỡng; Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh; Dược - Vật tư thiết bị y tế. 

Giai đoạn 2026-2030, Bệnh viên có quy mô 100 giường bệnh. Ngoài lãnh đạo Bệnh viện, có các tổ chức trực thuộc gồm 03 phòng chức năng (Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Điều dưỡng và Công tác xã hội) và 07 khoa chuyên môn (Khoa Khám bệnh - Cấp cứu; Khoa Điều trị bệnh nhân nam; Khoa Điều trị bệnh nhân nữ; Khoa Điều trị tâm lý - Phục hồi chức năng; Khoa Dược - Vật tư y tế; Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh; Khoa Dinh dưỡng và Kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Ban hành quy trình khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh 

Ngày 07/4, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND quy định các hoạt động khắc phục thiên tai trong trường hợp cần thiết, cấp bách theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, xác định mức độ thiệt hại đối với các công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thủy lợi, thông tin, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng do thiên tai gây ra. 

Việc khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện theo nguyên tắc: Xác định được các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong khắc phục hậu quả thiên tai; Chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ để khắc phục hậu quả thiên tai; trường hợp thiệt hại do thiên tai gây ra với quy mô lớn, ngoài khả năng khắc phục của ngành, địa phương mình thì kịp thời đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ; Đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; Ưu tiên hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất và khắc phục khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và công trình xây dựng thiết yếu; Khôi phục, sửa chữa, xây dựng lại đảm bảo bền vững hơn. 

Nhóm công việc được xem là cần thiết, cấp bách cần phải xử lý ngay khi có thiên tai xảy ra, gồm: Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; Hỗ trợ trực tiếp cho Nhân dân (hỗ trợ nhà sập, tốc mái, người chết, bị thương, lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, khôi phục đất sản xuất, cứu đói, cứu lạnh); Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho Nhân dân; Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội. 

Phê duyệt nhiệm vụ, mức hỗ trợ Đề án Khuyến công địa phương năm 2023 (đợt 1) 

Tại Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 07/4, UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhiệm vụ và mức hỗ trợ Đề án khuyến công địa phương năm 2023 (đợt 1), gồm: (1) Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến và bảo quản sản phẩm cá của Hợp tác xã Du lịch và Thủy sản Đắk Tăng với tổng mức kinh phí thực hiện 389,4 triệu đồng (kinh phí khuyến công hỗ trợ đơn vị thụ hưởng 124,15 triệu đồng; đóng góp của tổ chức, cá nhân thụ hưởng 259,4 triệu đồng); (2) Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất chế biến đóng gói nước ép trái cây lên men của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hồng Phát Kon Plông với tổng mức kinh phí thực hiện 503,5 triệu đồng (kinh phí khuyến công hỗ trợ đơn vị thụ hưởng 191 triệu đồng; đóng góp của tổ chức, cá nhân thụ hưởng 303,5 triệu đồng). 

UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Hội đồng thẩm định Chương trình khuyến công tỉnh kiểm tra định kỳ, đột xuất; giám sát đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của các đề án, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, không làm thất thoát ngân sách nhà nước./.

 

Thị Hạnh - Ipckontum  
Số lượt xem:661