Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 06 - 10/11/2023
11-11-2023

Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 06 - 10/11/2023

Tăng cường triển khai thực hiện giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực; Thành lập Tổ điều phối phát triển vùng Tây Nguyên tại Kon Tum; Tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông; Triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 thuộc nhóm B; Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục; Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế; Triển khai đợt cao điểm thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử cho công dân... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 06 - 10/11/2023. 

Tăng cường triển khai thực hiện giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực 

Triển khai ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Công văn số 3809/UBND-KGVX ngày 06/11, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn (bao gồm cả thành công và thất bại) về các mô hình chuyển đổi số ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh. 

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, sử dụng các nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp, sử dụng bộ công cụ đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số. Đảm bảo đến hết năm 2023, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, dùng thử các nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp; trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số. 

Nghiên cứu lựa chọn thúc đẩy 9 nhóm nền tảng số dùng chung để tập trung thúc đẩy 5 ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Nông nghiệp; Logistics; Dệt may. 

Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn các máy điện thoại 2G Only, 3G Only không tuân thủ quy định pháp luật kết nối vào mạng viễn thông công cộng đúng theo quy định. 

Thành lập Tổ điều phối phát triển vùng Tây Nguyên tại Kon Tum 

Ngày 06/11, UBND tỉnh có Quyết định số 625/QĐ-UBND thành lập Tổ điều phối cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ điều phối phát triển vùng Tây Nguyên tại tỉnh Kon Tum do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng; các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. 

Đây là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trong việc điều phối phát triển vùng Tây Nguyên; đề xuất, kiến nghị Hội đồng điều phối vùng kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng Tây Nguyên. 

Tổng hợp các nội dung liên kết từ phía doanh nghiệp và các đơn vị thuộc tỉnh. Theo dõi, đôn đốc và giúp UBND tỉnh giải quyết các vấn đề điều phối thuộc thẩm quyền của tỉnh Kon Tum trong vùng Tây Nguyên; Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao... 

Tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông 

Để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tại Công văn số 3832/UBND-NNTN ngày 07/11, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông; kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh... 

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc: (1) Đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; (2) Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; (3) Việc kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi; yêu cầu về phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông; (4) Yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản được sử dụng trong các công trình; (5) Kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan; (6) Kiểm tra, giám sát việc thống kê, kiểm kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; (7) Bố trí điều phối sản lượng khoáng sản khai thác cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

 Triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 thuộc nhóm B 

Để thống nhất triển khai các hoạt động phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh, tại Công văn số 3851/UBND-KGVX ngày 08/11, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền không còn phù hợp với tình hình khi COVID-19 chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức lại các Ban Chỉ đạo của địa phương có liên quan phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp tình hình dịch bệnh và theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; đồng thời chỉ đạo phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, nhất là các điểm tập trung đông người, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và các quy định liên quan về phòng, chống COVID-19 để người dân hiểu, đồng thuận và chủ động tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh. 

Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở 

Tại Công văn số 3857/UBND-NC ngày 08/11, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về thực hiện công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này; từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. 

Phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tích cực tuyên truyền việc thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định; Tiếp tục chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; Chú trọng thực hiện tiêu chí về hòa giải ở cơ sở trong bộ tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho công tác hòa giải ở cơ sở; Gắn công tác hòa giải với công tác thi đua; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL, vận động, thuyết phục Nhân dân hạn chế phát sinh mâu thuẫn... 

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục 

Triển khai ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục, tại Công văn số 3868/UBND-KGVX ngày 09/11, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương xã hội hóa giáo dục; Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. 

Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung về tổ chức hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học và các khoản thu dịch vụ, quy chế dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm giải trình tại các cơ sở giáo dục theo quy định; đồng thời thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo thẩm quyền người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng thu tiền không đúng quy định. 

Kịp thời tuyên dương, nhân rộng những tấm gương thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và các phong trào thi đua khác. Chỉ đạo Ngành giáo dục và đào tạo có các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kĩ năng ứng xử của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. 

Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế 

Tại Quyết định số 60/2023/QĐ-UBND ngày 09/11, UBND tỉnh ban hành 18 Phụ lục về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế của tỉnh Kon Tum. 

Theo Quyết định, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế trên không áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của tỉnh phát sinh nhu cầu mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng không có trong tiêu chuẩn, định mức sử dụng được ban hành tại Quyết định này thì lập thủ tục theo quy định, gửi Sở Y tế thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung. 

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/11/2023 và thay thế các Quyết định của UBND tỉnh, gồm: Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 21/02/2020, Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 và Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 03/12/2021. 

Triển khai đợt cao điểm 50 ngày, đêm thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử cho công dân 

Tại Kế hoạch số 3903/KH-UBND ngày 10/11, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu thực hiện cao điểm 50 ngày, đêm thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh (từ ngày 11/11 đến ngày 30/12/2023), cụ thể: Phấn đấu 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh được cài đặt ứng dụng VNeID và đăng ký tài khoản Định danh điện tử (trong đó, 90% công dân được đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử mức 2 và cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID); Người dân biết khai thác, sử dụng tài khoản Định danh điện tử trên ứng dụng VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến và giao dịch dân sự. 

Kế hoạch nêu rõ, 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh có tài khoản Định danh điện tử, ứng dụng VNeID mức 2 và sử dụng tài khoản Định danh điện tử, ứng dụng VNeID để truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đến hết ngày 30/11/2023, nếu đơn vị, địa phương có cán bộ, công chức, viên chức... chưa thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử, ứng dụng VNeID thì Thủ trưởng đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. 

Lực lượng Công an triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp và huy động tối đa lực lượng tham gia để tổ chức thực hiện việc thu nhận hồ sơ, hướng dẫn và hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử. Tiếp tục tổ chức các Tổ Công tác lưu động để thu nhận hồ sơ, hướng dẫn kích hoạt tài khoản Định danh điện tử mức 1, mức 2 tại địa bàn cơ sở, khu vực vùng sâu, vùng xa...; huy động tối đa lực lượng cán bộ, chiến sỹ vận động, hướng dẫn cán bộ, người dân trên địa bàn đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử trên ứng dụng VNeID theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lập danh sách xác nhận sau khi đã cài đặt, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử thành công và kết hợp tuyên truyền tới tận các hộ gia đình vào tất cả các ngày trong tuần từ ngày 11/11 đến ngày 30/12/2023 (cả thứ 7, chủ nhật…). 

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, người dân đã tiếp cận, kích hoạt tài khoản Định danh điện tử phục vụ nhu cầu hàng ngày, như: Sử dụng thông tin về cư trú, thông tin thẻ Căn cước công dân gắn chíp và các loại giấy tờ cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản Định danh điện tử để thực hiện các giao dịch, giải quyết TTHC trên các nền tảng công nghệ; thực hiện thông báo lưu trú, phản ánh kiến nghị về an ninh, trật tự, khai báo y tế thông qua ứng dụng VNeID..., góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển công dân số, phục vụ hiệu quả công tác CCHC, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tính đến ngày 05/11, toàn tỉnh đã thu nhận 146.878 tài khoản Định danh điện tử và đã kích hoạt được 85.501 tài khoản (đạt 20,31%. Trong đó: Mức 1 là 11.779 tài khoản, Mức 2 là 73.722 tài khoản; còn lại 61.377 tài khoản chưa được kích hoạt (chiếm 79,69%)./.

 

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:142