Đánh giá tiềm năng, hiện trạng hồ chứa, các chương trình, đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản phù hợp
22-11-2023

Đánh giá tiềm năng, hiện trạng hồ chứa, các chương trình, đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản phù hợp

Ngày 15/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông báo số 8228/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị “Phát triển kinh tế thuỷ sản hồ chứa”.

Theo đó, nhằm phát huy tiềm năng về nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa, đa dạng hoá đối tượng thuỷ sản nuôi, phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, sản lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế thuỷ sản hồ chứa đa ngành, đa giá trị, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với từng loại hồ chứa, tạo sinh kế cho đồng bào vùng hồ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan, địa phương có tiềm năng phát triển thuỷ sản hồ chứa, các doanh nghiệp, người dân trong chuỗi sản xuất từ cung ứng vật tư đến tiêu thụ sản phẩm tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: 

Cục Thuỷ sản: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuỷ sản. Triển khai Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản; Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2025; tham mưu Bộ tiếp tục thí điểm phát triển sản xuất thuỷ sản trên hồ chứa các tỉnh có tiềm năng như Hoà Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Tây Ninh….Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa” ngay khi được phê duyệt. 

Cục Kiểm ngư: Tiếp tục phối hợp với Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam và các địa phương triển khai chương trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, công tác thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ. 

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Đánh giá, phân tích, phân định giá trị của các hồ chứa để đề xuất nhiệm vụ phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ gắn với các giải pháp về khoa học công nghệ để lựa chọn đối tượng và công nghệ sản xuất thích hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. 

Cục Thuỷ lợi: Tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định hiện hành liên quan đến quản lý, vận hành hồ chứa, hồ chứa liên hồ chứa hài hoà lợi ích nuôi trồng thuỷ sản với thuỷ lợi, thuỷ điện, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, các công trình, hoạt động khai thác và sử dụng nước thuộc phạm vi quản lý. 

Cục Thú y: Tăng cường công tác kiểm dịch thuỷ sản, kiểm soát giống thuỷ sản nhập tỉnh; xây dựng phát triển cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh; kịp thời chia sẻ thông tin với Cục Thủy sản và địa phương để phối hợp chỉ đạo. 

Các đơn vị nghiên cứu (Viện nghiên cứu, Trường Cao đẳng, Đại học, Trung tâm…): Đề xuất các đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo, nâng cao chất lượng giống thuỷ sản, sản xuất giống bản địa; chuyển giao công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi tiên tiến các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế, đặc hữu phù hợp với từng loại hồ chứa cho doanh nghiệp, người nuôi. 

Phối hợp với Cục Thuỷ sản, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững. Xây dựng các mô hình liên kết, sản xuất thuỷ sản hồ chứa gắn với các ngành kinh tế; tổ chức các lớp tập huấn về liên kết chuỗi sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản lòng hồ. 

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương có tiềm năng phát triển thuỷ sản hồ chứa:

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tiềm năng, hiện trạng hồ chứa, tham mưu trình UBND tỉnh các chương trình, đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với từng loại hồ chứa tại địa phương hài hoà với các ngành kinh tế, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái; đào tạo nguồn nhân lực, đồng quản lý hồ chứa; các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuỷ sản trên hồ chứa. 

Tham mưu cơ chế chính sách, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp chế biến thủy sản, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. 

Chỉ đạo doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện sản xuất, đăng ký cấp mã số, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi lồng bè; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư, con giống và nuôi trồng thuỷ sản. 

Đề nghị các Hội, Hiệp hội, Hợp tác xã, doanh nghiệp liên quan

Tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, công tác đăng ký cấp mã số lồng nuôi, chứng nhận An toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan.

 Phối hợp với các cơ sở khoa học công nghệ (Viện, trường, trung tâm…), địa phương, ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế để triển khai sản xuất phù hợp với từng loại hồ chứa. 

Tăng cường hợp tác liên kết trong sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường để có kế hoạch kinh doanh phù hợp, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường thuỷ vực để đảm bảo phát triển bền vững.

 

 

 

Thanh Huyền-IpcKonTum  
Số lượt xem:112