Ngày 30/9/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3261/UBND-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:
Thủ trưởng các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ: Triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để kịp thời điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương: Căn cứ tình hình thực tế giải ngân, trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, đề nghị các đơn vị khẩn trương có văn bản đề xuất điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch vốn, báo cáo qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài: Chủ dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và nhà tài trợ để đảm bảo hài hòa giữa thủ tục nhà tài trợ và quy định của pháp luật hiện hành trên nguyên tắc phù hợp với quy định của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn vay nước ngoài.
Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế hoặc tham mưu cấp thẩm quyền kịp thời những CBCCVC yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2022 do nguyên nhân chủ quan theo quy định.
Thủ trưởng các đơn vị, địa phương: (i) Phân công cụ thể cá nhân trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân từng dự án; (ii) Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; (iii) Lựa chọn chủ đầu tư, ban quản lý dự án có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt Hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng; (iv) Tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.
Các đơn vị có kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thấp phải làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan: Kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 được trung ương bổ sung trong năm. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc, không để xảy ra tình trạng chậm giao kế hoạch vốn, tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư, nhất là theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ dự án giải ngân chậm, dự án đang vướng về thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn theo thẩm quyền được giao hoặc tham mưu báo cáo HĐND tỉnh trường hợp vượt thẩm quyền./.