banner
Thứ 7, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh
2-1-2023

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể từ giai đoạn 2016-2020, kết hợp với 1 số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với hơn 36 nội dung chính sách thành phần do 23 đơn vị tham gia quản lý và tổ chức thực hiện.

Tại tỉnh Kon Tum, Chương trình được triển khai với 10 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Để tháo gỡ khó khăn và thực hiện đạt mục tiêu Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, 09 giải pháp đã được tỉnh đặt ra: Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; Cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ; Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng DTTS và miền núi; Cải thiện điều kiện sinh kế; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các DTTS; Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; Nguồn lực tài chính. 

Cụ thể, về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi: Xác định tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình trên địa bàn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người DTTS, nhất là người DTTS nghèo. 

Đối với giải pháp về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ: Thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương; ưu tiên hỗ trợ cho các hộ DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyên đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng. 

Đối với giải pháp về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng DTTS và miền núi: Tập trung đầu tư cứng hóa hệ thống đường giao thông đến các xã; đường liên xã, liên xóm và kết nối các xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn với nhau. Ưu tiên cho các tuyến đường kết nối với các khu vực có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư trước. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã vùng DTTS; thúc đẩy triển khai đầu tư cải tạo lưới điện, đảm bảo cung ứng điện một cách tốt nhất với chất lượng phục vụ ngày càng cao đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân. Đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ tại các xã vùng DTTS nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. 

Đối với giải pháp về cải thiện điều kiện sinh kế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS: Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiếu số, nhất là các vùng có khó khăn, vùng đặc biệt 3 khó khăn để đồng bào có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất từng bước nâng cao đời sống. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp. Thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi, phát triển công nghiệp chế biến. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tìm kiếm, hợp tác với nhà đầu tư có năng lực để triển khai liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. 

Đối với giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế; bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các DTTS: Thực hiện có hiệu quả chính sách đối với học sinh trường nội trú, bán trú; dạy và học tiếng dân tộc; chính sách đối với học sinh, sinh viên hệ cử tuyển; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh góp phần nâng cao sức khỏe đồng bào DTTS; quan tâm nâng cao thể chất lẫn tinh thần, nâng cao thể trạng tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiếu số để nâng cao chất lượng dân số; quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em. Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc trưng của các DTTS tại chỗ trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. 

Đối với giải pháp về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội: Tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về công tác tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; có chính sách ưu tiên phù hợp trong đào tạo nhân lực và sử dụng cán bộ, đào tạo cán bộ nguồn cho xã, thôn là con em các dân tộc sinh sống trên địa bàn. 

Đối với giải pháp về nguồn lực tài chính: Huy động mọi nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, lồng ghép các Chương trình, dự án trên địa bàn để phát huy hiệu quả tổng hợp, đồng bộ từ các nguồn vốn tín dụng chính sách; vốn ODA, viện trợ; vốn doanh nghiệp; vốn đóng góp của cộng đồng và người dân. Tăng cường công tác vận động các tổ chức quốc tế quan tâm viện trợ, tài trợ nguồn vốn để hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Ngoài các nhóm giải pháp trên, để thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, các địa phương được thụ hưởng Chương trình còn tập trung tổ chức quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Chương trình; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội và Nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Cùng với đó là tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn quản lý, chủ động huy động thêm các nguồn lực cho các dự án thuộc Chương trình; Phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể trong tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở. 

Tiếp tục rà soát đánh giá thực trạng KT-XH, xác định cụ thể nhu cầu, danh mục đầu tư để xây dựng kế hoạch trung hạn và hàng năm tránh chồng chéo địa bàn, đối tượng, nội dung hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG Nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn. 

Chủ động nghiên cứu, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn tại địa phương để hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn; đồng thời, chủ động bố trí nguồn kinh phí ngân sách huyện, lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình MTQG và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai thực hiện có hiệu quả phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn quản lý. 

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện cho chính quyền, địa phương thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được người dân đồng tình tham gia hưởng ứng./.

 

Thanh Thuý - Ipckontum
Số lượt xem:152

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 56 Số người online:
TNC Phát triển: