Tăng ưu đãi để hút vốn đầu tư vào khu kinh tế
19-12-2016
Thay vì chỉ 15 năm, các dự án đầu tư trong các khu kinh tế có thể sẽ được nâng thời hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 30 năm. Điều này có thể giúp Việt Nam thu hút mạnh hơn nữa đầu tư cả trong và ngoài nước vào các khu kinh tế.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Và một trong những nội dung quan trọng, đó là Dự thảo Nghị định đã đề xuất việc kéo dài thời hạn hưởng ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư trong các KKT.

Theo thông tin từ ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì hiện tại, các dự án đầu tư vào KKT được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10%, thời hạn 15 năm, trong đó miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, để tăng sức hấp dẫn của các KKT, đồng thời để đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn cho nhà đầu tư theo hướng giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm, Dự thảo Nghị định đề xuất việc kéo dài thời hạn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% lên 30 năm.

 

Việc cho phép kéo dài thời hạn ưu đãi sẽ là cú hích lớn để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế.

Tất nhiên, không phải tất cả các dự án đều được hưởng mức ưu đãi này, mà chỉ các dự án đầu tư vào ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư có quy mô 6.000 tỷ đồng giải ngân không quá 3 năm hoặc sử dụng trên 3.000 lao động; dự án đầu tư có quy mô 12.000 tỷ đồng giải ngân không quá 5 năm; dự án đầu tư vào hạ tầng kinh tế kỹ thuật (điện, nước…) mới được hưởng mức ưu đãi kể trên. “Đây là những dự án quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của KKT”, ông Đông lý giải.

Trên thực tế, theo quy định hiện hành của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2013, thì các dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao, thời gian áp dụng ưu đãi có thể kéo dài thêm, nhưng thời gian kéo dài thêm không quá 15 năm. Còn theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thì đối với dự án quy mô lớn và công nghệ cao hoặc cần đặc biệt thu hút đầu tư, có thể kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất lên không quá 30 năm. Thủ tướng Chính phủ sẽ  quyết định việc kéo dài thời gian ưu đãi theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Có nghĩa là, việc ưu đãi đầu tư cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn trên thực tế đã được thực hiện. Có điều, để được hưởng các ưu đãi đó, thì sẽ có trường hợp các nhà đầu tư phải đi “xin” và chờ đợi sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, nhiều dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã phải thực hiện “quy trình” này, khiến vừa mất thời gian, lại vừa khiến cơ chế “xin - cho” có điều kiện tồn tại. 

Tuy nhiên, một khi cơ chế này được quy định cụ thể trong nghị định sửa đổi, thì sẽ tạo sự minh bạch, rõ ràng, giúp nhà đầu tư nhanh ra quyết định đầu tư vào các KKT. Thông tin cho biết, các KKT đã được thành lập đều có quy mô lớn (trên 10.000 ha), nằm ở vùng có địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn, các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn ưu đãi sẽ là cú hích lớn để thu hút đầu tư vào các KKT.

Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 16 KKT, với với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815.000 ha. Ngoài ra, còn có 2 KKT (KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập. Đáng chú ý là, các KKT đã thành lập hiện thu hút được 342 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 41 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 20 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có 1.053 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 798.000 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 345.800 tỷ đồng.

Ưu đãi đầu tư trong các KKT hiện đang ở mức cao nhất, theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, so với trước đây, thì ưu đãi đầu tư trong các KCN đã “hẹp cửa” hơn so với trước. Do vậy, thời gian gần đây, có xu hướng một số KKT xin được mở rộng quy mô để “ôm” thêm một số KCN khác, nhằm tăng cường thu hút đầu tư. Chẳng hạn, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải mở rộng diện tích để “bao” thêm KCN VSIP Hải Phòng hay KCN Tràng Duệ; KKT Đông Nam Nghệ An cũng xin mở rộng quy mô, “lấy thêm” đất của KCN Hoàng Mai và Đông Hồi, cũng như bổ sung thêm cả phần diện tích của KCN VSIP Nghệ An.

  Diễm Hằng: TH

 

Hà Nguyễn Theo baodautu.vn  
Số lượt xem:1741