Điều chỉnh ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Kon Tum
15-11-2018
Trên cơ sở Kết luận của Tỉnh ủy Kon Tum về sơ 05 năm thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU. Ngày 19/7/2018, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND, sửa đổi bổ sung khoản 1, khoản 2, điều 1 của Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 05/8/2011 về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020.

Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2020 và định hướng năm 2025 sẽ tập trung phát triển 04 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn, gồm: Nhóm ngành nông-lâm nghiệp. Nhóm ngành công nghiệp chế biến. Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Ngành du lịch.

Xây dựng và phát triển 09 sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm: Sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn. Sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao gồm: Sản phẩm trồng trọt và các sản phẩm chế biến từ sản phẩm trồng trọt. Sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao gồm: Sản phẩm từ chăn nuôi và các sản
phẩm chế biến từ sản phẩm chăn nuôi. Cà phê và các sản phẩm chế biến từ
cà phê. Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su. Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ. Điện. Du lịch sinh thái Măng Đen.

Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có diện tích trồng sắn khoảng 35.700 ha đạt sản lượng khoảng 601.550 tấn - 650.000 tấn. Diện tích trồng cây cà phê khoảng 18.000 ha đạt sản lượng 39.000 tấn/niên vụ - 40.000 tấn/niên vụ. Diện tích trồng cây cao su đạt khoảng 90.000 ha, sản lượng mủ cao su đạt khoảng 92.000 tấn. Diện tích trồng sâm Ngọc Linh khoảng 1.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 150 tấn, các cây dược liệu khác khoảng 1.000 ha. Chế biến khoảng 60.000 m3 gỗ/năm, sản xuất được 1,36 tỷ kwh điện và thu hút được khoảng 320.000 lượt khách du lịch đến Măng Đen.

Phấn đấu đến năm 2025 sẽ giảm diện tích trồng sắn toàn tỉnh khoảng
34.100 ha. Diện tích trồng cây cà phê toàn tỉnh khoảng 20.000 ha đạt sản lượng thu
hoạch khoảng 57.000 tấn, sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn. Ổn định diện
tích trồng cao su trên địa bàn tỉnh khoảng 93.000 ha, sản lượng mủ cao su đạt
95.000 tấn. Phát triển trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 2.500 ha, các cây dược liệu
khác trồng khoảng 5.000 ha. Chế biến được khoảng 70.000 m3 gỗ/năm, sản
xuất 2,4 tỷ kwh điện thương phẩm và thu hút được khoảng 640.000 lượt khách du lịch đến Măng Đen.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, yêu cầu định kỳ rà soát, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Rà soát, đầu tư xây dựng các công trình, dự án phục vụ phát triển du lịch trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát
triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến 2025. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.

Trần Hạnh  
Số lượt xem:1142