Điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum
11-11-2020

     Điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.

     1. Điều kiện tự nhiên.

     - Về vị trí địa lý: Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới của Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 9.674,2 km2; phía Tây giáp Lào và Campuchia với 292,522 km đường biên giới (trong đó: giáp Lào 154,222 km, giáp Campuchia 138,3 km), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 đơn vị hành chính cấp xã với 756 thôn, tổ dân phố.

     - Về địa hình: Địa hình đa dạng, gò đồi núi cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau khá phức tạp. Tỉnh Kon Tum có dòng sông Sê San, một nhánh của sông Mê Kông và được hợp thành bởi hai nhánh sông lớn là Pô Kô và Đăk Bla, với tiềm năng thủy điện trên sông đứng thứ 3 trong hệ thống sông của Việt Nam (sau sông Đà và sông Đồng Nai), góp phần đáng kể vào nguồn thu nội địa của tỉnh. 

     - Nguồn nước: Nước mặt đồi dào từ 4 hệ thống sông lớn và các hồ chứ nước; đặt biệt sông ĐăkBla dài 145 km, lưu vực 3.050 km2; Hồ thủy điện Ya Ly có lòng hồ 6.450 ha và nguồn nước ngầm phân bố ở độ sâu 10 - 25  m. Mực nước ngầm phân bố ở độ sâu tư 10 m 25 m, lưu lượng các lỗ khoan từ 1 - 3 lít/s.

     - Khí hậu: Khí hậu Kon Tum có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. Đặc điểm đa dạng của khí hậu tỉnh Kon Tum có đủ điều kiện để phát triển toàn diện các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng lớn như cà phê, cao su, mắc ca, mía đường, sắn, ngô, rau - hoa xứ lạnh, các loại cây dược liệu như Sâm Ngọc Linh, hồng đẳng Sâm và các loại được liệu quý hiếm khác; phát triển đàn bò thịt, bò sữa, dê, thủy sản nước ngọt và cá tầm xứ lạnh...

     - Đất: Sản xuất nông nghiệp 266.175 ha; đất lâm nghiệp có rừng 607.542  ha; đất nuôi trồng thủy sản 680 ha; đất nông nghiệp khác 69 ha; Có dãy núi Ngọc Linh với độ cao khoảng 300 m - 2600 m; Cao nguyên Măng Đen nằm ở trên dãy Trường Sơn với độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển.

     - Diện tích rừng và độ che phủ rừng: Đến cuối năm 2019, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 621.079 ha (trong đó: diện tích rừng tự nhiên 547.083 ha và diện tích rừng trồng 73.276 ha), tăng 3.399 ha so với năm 2016; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm diện tích cây cao su) đạt 63,0%, tăng 0,8% so với năm 2016 và cao hơn 22,11% tỷ lệ đô che phủ rừng của cả nước.

     - Khoáng sản: Kon Tum là tỉnh có nhiều mỏ và điểm quặng; trên địa bàn tỉnh có 21 phân vị địa tầng, 19 phức hệ mắc ma với 214 mỏ và điểm quặng, khoáng hoá, nguồn khoáng sản đa dạng, phong phú, có tới 40 loại với các loại hình nguồn gốc khác nhau như sắt, crôm, vàng, nguyên liệu chịu lửa, đá quý, bán quý, kim loại phóng xạ, đất hiếm, ... Ngoài ra, nguồn nguyên vật liệu xây dựng cũng rất phong phú, nhiều chủng loại như: sét, cát, đá xây dựng, đá ốp lát; nguyên liệu gốm sứ như cao lanh, fenspat, fenzit; nguyên liệu chịu lửa như đôlomit, silimamit. Tuy nhiên, công tác điều tra, nghiên cứu về khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa được phủ kín, một số vùng còn rất sơ lược, một số khoáng sản chỉ dừng lại ở mức độ tìm kiếm phát hiện, định tính dự báo tài nguyên.

     2. Đặc điểm kinh tế - Dân số.

     Đến cuối năm 2019, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt khoảng 14.781 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng gần 31% so với năm 2016([1]). Kinh tế tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 9,41%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản giảm dần([2]). Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, từ 32,14 triệu đồng năm 2016 lên 41,28 triệu đồng vào năm 2019.

     Lĩnh vực thương mại dịch vụ của tỉnh tăng trưởng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng nhanh([3]), bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 11,8%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, tăng từ 114 triệu USD năm 2016 lên 210 triệu USD vào năm 2019. Các siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, giải trí... có bước phát triển đáng kể. Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện; nhiều tua, tuyến, điểm du lịch được duy trì và mở rộng, lượng khách bình quân tăng 25%/năm.

     Tổng dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2019 đạt 543.452 người, với 28 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,25%.

     3. Giao Thông.

     Kon Tum nằm vùng trong vùng lõi Khu vực Tam giác phát triển duy nhất hội tụ và giao thoa đồng thời 4 quốc lộ: 40, 14, 14C, 24.

    Cửa khẩu quốc tế Bờ Y nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung, Đông Nam bộ của Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Camphuchia và Nam Lào.

     4. Văn hóa và Du lịch.

     Kon Tum có lịch sử hình thành lâu đời, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng và các công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc.

     5. Cơ hội kinh doanh và đầu tư.

     Nông nghiệp công nghệ cao: Mời đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nphệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong trồng, chế biến sản xuất hàng hóa từ các loại cây, con như: cà phê, rau hoa xứ lạnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm...

     Dược liệu: Vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông rất phù hợp đề phát triền các loại dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đảng Sâm, Đương quv, Sơn Tra, Ngũ Vị Tử, Đinh Lăng, Nghệ Vàng, Hà Thủ ô, Giảo cố lam.

     Du Lịch: Vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình khoảng 22°c, thuận lợi đề phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

     Năng lượng tái tạo: Có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió.

     Phát triển kết cấu hạ tầng: Mời đầu tư các dự án phát triền kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp, hạ tầng khu công nghiệp và khu kinh tế.

     6. Ba lĩnh vực đột phá:

     Thực hiện Nghị quyết số 42/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của HĐND tỉnh Kon Tum về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 (Khoản b, Điểm 2 Điểu 2 của Nghị quyết số 42/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của HĐND tỉnh) gồm 03 nội dung:

     Tập trung đầu tư phát triền kết cấu hạ tầng đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - Dịch vụ, phát triền du lịch theo hướng du lịch sinh thái, du lịch công đồng với bản sắc riêng cua Kon Tum.

     Phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo tồn phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác.

     Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường xúc tiến đầu tư, hổ trợ khởi nghiệp.

     7. Môi trường kinh doanh:

     Kon Tum đang tập trung cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ và cam kết dành những chính sách ưu đãi nhất, mong muốn tạo đieu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cụ thể như sau:

     Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được rút ngắn xuống còn 35 ngày làm việc.

     Thời gian thành lập mới doanh nghiệp giảm còn 03 ngày làm việc. Các thủ tục còn lại đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh thực hiện không quá 01 ngày làm việc

     Cấp giấy phép xây dựng giảm còn 30 ngày; cấp giấy phép quy hoạch giảm còn 15 ngày.

     Thủ tục giao đất, cho thuê đất còn 15 ngày; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất còn 20 ngày; thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn 20 ngày.

 


([1]) Năm 2016: 11.285 tỷ đồng; Năm 2017: 12.302 tỷ đồng; Năm 2018: 13.442 tỷ đồng; Năm 2019: 14.781 tỷ đồng.

([2]) Tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 24,31% năm 2016 lên 26,76% năm 2019; thương mại-dịch vụ tăng từ 39,59% năm 2016 lên 39,92% năm 2019; nông, lâm, thủy sản giảm từ 28,70% năm 2016 xuống còn 25,65% vào năm 2019.

([3]) Tăng từ 14.010 tỷ đồng năm 2016 lên 19.550 tỷ đồng năm 2019.

 

Khắc Quang-ipckontum  
Số lượt xem:1781