UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức lưu thông vận chuyển hàng từ vùng dịch đi đến và đi qua địa bàn tỉnh
6-9-2021
UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức lưu thông vận chuyển hàng từ vùng dịch đi đến và đi qua địa bàn tỉnh
CT

     Ngày 04/9/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3151/UBND-HTKT về tổ chức lưu thông vận chuyển hàng từ vùng dịch đi đến và đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Văn bản này được áp dụng kể từ 00 giờ 00 ngày 05/9/2021 và thay thế nội dung quy định tại Công văn số 2449/UBND-KGVX ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

     1. Điều kiện của phương tiện, người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa từ vùng dịch vào Kon Tum:

     Phương tiện, người trên phương tiện phải đảm bảo về điều kiện để được lưu thông theo quy định tại hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021.

     Tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa có lái xe, phụ xe thuộc đối tượng cách ly y tế vào địa bàn tỉnh giao nhận hàng hóa phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (gọi tắt là Giấy xét nghiệm) trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

      2. Công tác tổ chức kiểm tra tại các chốt kiểm dịch:

      a) Phương tiện quá cảnh đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum:

     Đối với phương tiện có Giấy nhận diện: Lực lượng kiểm soát tại chốt sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QRcode, sau khi quét mã QRcode thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu thì phát Phiếu kiểm soát cho phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát dịch.

     Đối với phương tiện không có Giấy nhận diện, có Giấy nhận diện nhưng đã hết hiệu lực hoặc sau khi quét mã QRcode phát hiện có thông tin không đầy đủ, không chính xác,... thì hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để hướng dẫn, kiểm tra và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

      b) Đối với phương tiện vào tỉnh Kon Tum:

     Lực lượng kiểm soát tại chốt sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QRcode trên Giấy nhận diện để kiểm tra nhanh các thông tin về phương tiện, người trên phương tiện, hiệu lực của Giấy xét nghiệm, hành trình vận chuyển, điểm đến trên địa tỉnh Kon Tum:

     (1) Trường hợp sau khi quét mã QRcode thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu (có thông tin Giấy xét nghiệm còn hiệu lực theo quy định, có điểm đi hoặc điểm đến là vị trí đã được UBND cấp huyện bố trí làm bãi giao nhận tập trung) thì phát Phiếu kiểm soát cho phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát dịch vào điểm giao nhận hàng hóa tập trung.

     (2) Đối với phương tiện không có Giấy nhận diện, có Giấy nhận diện nhưng đã hết hiệu lực hoặc sau khi quét mã QRcode phát hiện có thông tin không đầy đủ, không chính xác,... thì hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để hướng dẫn, kiểm tra các thông tin và thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19:

      Trường hợp người trên phương tiện xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện), Căn cước công dân hoặc Chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe) và đã khai báo y tế thì phát Phiếu kiểm soát và cho phương tiện lưu thông qua chốt kiểm soát dịch vào điểm giao nhận hàng hóa tập trung.

      Trường hợp người trên phương tiện không xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì tiếp tục hướng dẫn và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch; khi đủ điều kiện thì cho vào điểm giao nhận tập trung (tại Chốt lấy mẫu để xét nghiệm; người được xét nghiệm trả phí theo giá dịch vụ), chờ khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì được vào tỉnh giao nhận hàng hóa tại điểm tập trung). Nếu phát hiện người trên phương tiện dương tính với SARS-CoV-2 thì tổ chức cách ly theo quy định.

     (3) Trường hợp đặc biệt khác, Sở Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh) hướng dẫn cụ thể.

     3. Đối với việc quản lý giao nhận hàng hóa tại điểm cố định tập trung của huyện/thành phố để đảm bảo công tác kiểm soát dịch bệnh: UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải tổ chức điểm giao nhận hàng hóa tại bến xe (hoặc địa điểm phù hợp) của huyện/thành phố và hướng dẫn thực hiện để tạo thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa đảm bảo phòng, chống dịch, phục vụ đời sống Nhân dân và đảm bảo nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm COVID-19 từ khu vực giao nhận hàng hóa và bến xe.

    4. Quy định về lưu trú tạm thời đối với người trên phương tiện:

   a) Các phương tiện vào tỉnh Kon Tum giao nhận hàng hóa tại các điểm tập trung, sau khi xếp dỡ hàng hóa xong phải cho xe ra khỏi điểm tập trung và di chuyển ra khỏi tỉnh, không được lưu lại tỉnh vượt quá 24 giờ kể từ lúc phương tiện vào tỉnh; tại nơi giao nhận hàng hóa người trên phương tiện thực hiện lưu trú tạm thời ngay trên cabin phương tiện (nếu đủ điều kiện) hoặc điểm lưu trú tạm thời được bố trí tại các bãi giao nhận tập trung đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan Y tế. Trường hợp việc giao nhận hàng hóa có khối lượng lớn, các hàng hóa đặc thù mà không thể giao nhận trong ngày (24 giờ) thì đơn vị vận chuyển hoặc đơn vị tiếp nhận hàng hóa phải có phương án cụ thể gửi về BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kon Tum (thông qua Sở Y tế - Cơ quan Thường trực BCĐ) để được hướng dẫn thực hiện.

      b) Trường hợp phương tiện gặp sự cố, hư hỏng không thể di chuyển ra khỏi tỉnh ngay được thì phải báo cáo cho chính quyền địa phương, cơ quan Y tế nơi gần nhất để xử lý, hướng dẫn trong công tác phòng, chống dịch theo quy định của địa phương.

     c) Đối với lái xe, phụ xe của đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh Kon Tum: Trường hợp đơn vị vận tải có bố trí khu vực lưu trú tạm thời đảm bảo điều kiện theo quy định của cơ quan Y tế (các vị trí lưu trú tạm thời của đơn vị vận tải phải được cơ quan Y tế địa phương xác nhận và cho phép) thì có thể lưu trú tạm thời tại đơn vị trong thời gian không quá 48 giờ, đơn vị vận tải cam kết và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh từ khu lưu trú tạm thời của đơn vị. Trường hợp lưu trú trên 48 giờ thì phải cách ly y tế theo quy định của ngành Y tế; khi cần thiết hoạt động trở lại thì đơn vị phải tự thực hiện xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tham gia vận chuyển.

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:706