Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, di sản, du lịch ẩm thực, du lịch đêm, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái
20-1-2022
Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, di sản, du lịch ẩm thực, du lịch đêm, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái
CT

Nhằm cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm chỉ đạo được nêu tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Ngày 17/01, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quyết định số 103/QĐ-BVHTTDL về Ban hành kèm Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là:

 1. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về du lịch và liên quan đến du lịch tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển du lịch, trong đó: Rà soát, đánh giá, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch, các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch và các chương trình phát triển du lịch. Phối hợp với các Bộ ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế, thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.

2. Phát triển sản phẩm du lịch: Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, di sản, du lịch ẩm thực, du lịch đêm, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch: Tiếp tục huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ tại các khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng, hiện đại đảm bảo nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, hội nghị của khách du lịch.

4. Phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch: Ưu tiên phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Phát triển thị trường du lịch nội địa, chú trọng thị trường khách nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, ẩm thực, nghỉ cuối tuần và mua sắm. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia. Xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương, thương hiệu doanh nghiệp du lịch và thương hiệu sản phẩm du lịch. Phát triển đa dạng hóa thị trường khách du lịch trên cơ sở điều tra, nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, các tổ chức quốc tế, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới.

5. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo về số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập: Đào tạo nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.

6. Ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch: Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đặt tour, đặt phòng, thanh toán qua các ứng dụng, ví điện tử…

7. Xây dựng hệ thống thống kê du lịch hiệu quả: Tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và số hoá tài nguyên du lịch Việt Nam; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Việt Nam; Nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch ở trung ương và địa phương. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình được thực hiện lồng ghép trong các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch phát triển du lịch khác liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

 

Thị Hạnh - IpcKonTum  
Số lượt xem:755