Những kết quả nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2021 |
2-4-2022 |
Năm 2021, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm; sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2021, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được các thành viên Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành tham mưu, chỉ đạo tập trung vào các hoạt động hoàn thiện khung khổ pháp lý; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC; rà soát, đề xuất cắt giảm các TTHC, thành phần hồ sơ và điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các TTHC liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Về công bố, công khai TTHC: Tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.598 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan mình trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện TTHC. Thống kê trên Cổng DVC quốc gia, tại thời điểm ngày 31/12/2021, cả nước có 6.694 TTHC, trong đó, 3.977 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.456 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.644 TTHC thực hiện ở các cơ quan ngành dọc tại địa phương. Về rà soát, cắt giảm đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh: Các bộ, ngành đã tích cực đẩy mạnh rà soát, đánh giá và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định TTHC, điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa các mẫu đơn, tờ khai và giảm chi phí tuân thủ TTHC. Triển khai Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, các bộ, ngành đã rà soát, thống kê và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số quy định hiện hành đã được cập nhật là 6.460 quy định, trong đó, đã duyệt công khai 2.339 quy định. Nhiều bộ đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, tổng số quy định kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa trong năm 2021 là 1.101 quy định, gồm: 507 TTHC; 113 yêu cầu, điều kiện; 26 chế độ báo cáo; 172 mã số hồ sơ phải khai báo hải quan khi xuất nhập khẩu và 283 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại 70 VBQPPL (gồm: 8 Luật, 27 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 33 Thông tư). Thực hiện tốt nhiệm vụ này là các bộ: Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tư pháp; Giao thông vận tải. Các bộ, cơ quan đã quan tâm thực hiện rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đến nay, có 07 bộ, cơ quan (gồm: Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội) đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định kinh doanh (gồm: 599 thủ tục hành chính; 34 chế độ báo cáo; 113 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành). Theo đó, các bộ nêu trên phải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 166 VBQPPL (gồm 10 Luật, 6 Pháp lệnh; 62 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 89 Thông tư, Thông tư liên tịch) để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC: Ngày 06/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, theo đó, đã bổ sung một số quy định mới, như: Quy định về việc gắn số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; quy định về tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; quy định việc phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho bộ, ngành, địa phương trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông,... Trước đó, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc phạm vi quản lý; thực hiện các giải pháp để kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng DVC quốc gia; thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực,... Nhiều nơi đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phần mềm ứng dụng và thường xuyên tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Theo thống kê đến nay, cả nước đã thành lập 11.699 Bộ phận Một cửa các cấp, với tổng số 62.489 công chức, viên chức làm việc, trực để tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức. Ngoài ra, một số đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (điện lực, nước...) tại một số tỉnh, thành phố đã áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các công việc có liên quan đến cá nhân, tổ chức, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, An Giang, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Kiên Giang, Long An,... Về kết quả giải quyết hồ sơ TTHC tại bộ, ngành, địa phương: Theo thống kê từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021, BPMC các cấp đã giải quyết 336.723.966 hồ sơ TTHC, trong đó có 329.153.563 hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt tỷ lệ 97,75%, cụ thể: - BPMC tại các Bộ, ngành (bao gồm Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã tiếp nhận, giải quyết 277.118.402 hồ sơ TTHC, trong đó có 269.871.614 hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt tỷ lệ 97,38%. - BPMC cấp tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 14.825.392 hồ sơ, trong đó có 14.696.889 hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt tỷ lệ 99,13%. - BPMC cấp huyện đã tiếp nhận, giải quyết 7.6315.253 hồ sơ, trong đó có sơ TTHC giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt tỷ lệ 98,65 %. - BPMC cấp xã đã tiếp nhận, giải quyết 37.148.919 hồ sơ, trong đó có 37.056.537 hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn và trước hạn, đạt tỷ lệ 99,75%. Có thể thấy, những kết quả đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính trong năm 2021 đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội; nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục trong năm 2022, đó là: Một số nội dung về cải cách TTHC còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn tồn tại, một số lĩnh vực có tỷ lệ trễ hẹn cao như: Đất đai, xây dựng, chính sách người có công,… Trình độ, năng lực chuyên môn và thái độ, tinh thần phục vụ của công chức tại Bộ phận Một cửa các cấp không đồng đều, ở một số nơi vẫn còn bố trí công chức chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ làm việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa, nhất là đối với cấp xã...
|
Thế Đắc - ipcKonTum |
Số lượt xem:1077 |