Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025” |
6-5-2022 |
![]() |
CT |
Ngày 05/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1291/UBND-KTTH về việc triển khai Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025”; UBND tỉnh yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh: Xây dựng kế hoạch 05 năm, hằng năm đối với các hình thức sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu trên cơ sở bám sát các quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), doanh nghiệp (DN) có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định khác có liên quan. Đối với các dự án đầu tư của DNNN: Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng DN, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội; Chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường. Tạo cơ chế để DN chủ động, tự chủ trong xử lý dự án; Tập trung sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật để hỗ trợ việc giải thể, phá sản DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Trên cơ sở Văn bản số 3381/UBND-KTTH ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh về kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nguồn thu khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN theo kế hoạch đã đăng ký, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hoàn thành kế hoạch cổ phẩn hóa, thoái vốn theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định lộ trình phù hợp để cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước tại DN; thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đánh giá chính xác, xác định đầy đủ giá trị DN, bao gồm cả các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu; không làm mất thương hiệu, bản sắc DN, không để thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Kịp thời phê duyệt theo thẩm quyền phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các DN trên địa bàn quản lý; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền. Phê duyệt, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại DNNN. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách sắp xếp, bố trí, sử dụng người giữ chức danh, chức vụ tại các DNNN theo quy định pháp luật. Triển khai thực hiện nghiêm túc công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm đối với Chủ tịch công ty, DNNN thuộc phạm vi quản lý trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, quản lý, điều hành DN, tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại DN, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan. Sở LĐ,TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại công ty TNHH MTV thuộc tỉnh, công ty cổ phần do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu đối với các nội dung liên quan đến sắp xếp lại, tiền lương, thù lao, tiền thưởng, chế độ chính sách của người lao động, người quản lý DN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần sau khi hoàn thành sắp xếp theo đúng quy định. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN đã được phê duyệt. Các DNNN thuộc UBND tỉnh quản lý triển khai thực hiện quyền, trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó tập trung thực hiện: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý; Nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại DNNN; Hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; Đổi mới và nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, đổi mới phát triển khoa học công nghệ, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh./.
|
Diễm Hằng - ipcKonTum |
Số lượt xem:605 |