Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới
13-5-2022

Xác định công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần lớn vào hoàn thành mục tiêu đề ra nên từ khi bắt đầu triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động một cách thường xuyên, liên tục, sâu rộng và luôn đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. 

Theo đó, ngay từ đầu năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, lồng ghép với phát động phong trào thi đua qua các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, đặc biệt là thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, vận động các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn, hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình (nhà ở, hỗ trợ người nghèo, các công trình phúc lợi…), chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; qua đó tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời góp phần tạo được sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân và cả hệ thống chính trị cùng chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh đã xây dựng chuyên mục xây dựng nông thôn mới phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nhằm kịp thời thông tin về kết quả xây dựng nông thôn mới cũng như các mô hình tiêu biểu, cách làm hay để các địa phương học tập nhân rộng. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để khích lệ, động viên và nhân ra diện rộng; thường xuyên hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức Lễ ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn toàn tỉnh nhằm kêu gọi toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn nêu cao tinh thần đoàn kết nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất để xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững.

Nhờ sự chung tay của người dân cùng với cả hệ thống chính trị và nguồn lực của nhà nước, đến nay, toàn tỉnh đã có 37 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, 19 xã đạt chuẩn từ 15 đến 18 tiêu chí, 29 xã đạt chuẩn từ 10 đến 14 tiêu chí, 01 xã đạt chuẩn 08 tiêu chí, không còn xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16,15 tiêu chí, tăng 1,35 tiêu chí so với năm 2020; đã có 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 07 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, 19 thôn nông thôn mới.

Năm 2022, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu có thêm 17 xã nông thôn mới, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; trong đó, có 08 xã NTM (xã Ngọc Bay, xã Đăk Blà và xã Đăk Rơ Wa - thành phố Kon Tum; xã Ngọc Tem - huyện Kon Plông; xã Đăk Tờ Re - huyện Kon Rẫy; xã Đăk Ui và xã Ngọc Wang - huyện Đăk Hà; xã Sa Loong - huyện Ngọc Hồi); 06 xã NTM nâng cao (xã Đoàn Kết - thành phố Kon Tum, xã Tân Cảnh và xã Diên Bình - huyện Đăk Tô, xã Đăk Nông - huyện Ngọc Hồi, xã Sa Nghĩa - huyện Sa Thầy và xã Đăk Ruồng - huyện Kon Rẫy) và 03 xã NTM kiểu mẫu (xã Đoàn Kết - thành phố Kon Tum, xã Hà Mòn - huyện Đăk Hà và xã Tân Lập - huyện Kon Rẫy).

Đến năm 2025, có ít nhất từ 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; đối với các xã chưa đạt chuẩn, bình quân mỗi năm tăng từ 2 tiêu chí trở lên/xã; tiếp tục xây dựng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu toàn tỉnh có 04 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 50% số thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí thôn nông thôn mới do UBND tỉnh quy định.

 

Thanh Thúy - ipcKonTum  
Số lượt xem:498