Kon Tum đang được chú trọng phát triển du lịch trong mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ
25-5-2022
Kon Tum đang được chú trọng phát triển du lịch trong mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ
CT

Cùng với cả nước, ngành du lịch của tỉnh Kon Tum đang được phục hồi và phát triển sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. Du lịch Kon Tum đang được chú trọng phát triển trong mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Gần đây nhất, một Diễn đàn Du lịch lớn với chủ đề "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức với sự tham gia của các Bộ, ngành trung ương; Tổng Cục du lịch, các tỉnh khu vực Duyên hải nam Trung bộ và Tây Nguyên; 4 tỉnh Nam Lào (Attapư, Sê Kông, Chămpasắc, Salavan), tỉnh Rattanakiri, Stungtreng (Campuchia); các chuyên gia kinh tế và phát triển du lịch cùng trên 300 doanh nghiệp lữ hành.

Tại Diễn đàn, Bộ, ngành Trung ương; các địa phương, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh vấn đề đánh giá tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch cũng như các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, Kon Tum có tiềm năng rất lớn về du lịch với nhiều lợi thế riêng có như nằm tại ngã ba biên giới Đông Dương, có Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen - Đà Lạt "Bắc Tây Nguyên", nhà thờ Gỗ thanh khiết và bình yên.... Tuy nhiên, phát triển du lịch Kon Tum phải gắn với mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Vì vậy, định hướng liên kết phát triển với các tỉnh Tây Nguyên là hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng: từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, sản phẩm, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển. Ví dụ liên kết với Gia Lai khai thác sân bay Pleiku; du lịch Hồ Yaly....Liên kết với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ hướng tới kết nối điểm đến, chia sẻ thị trường, bổ sung thị trường ngách. Ví dụ liên kết với Quảng Nam để quảng bá chung thương hiệu du lịch văn hóa Sâm Ngọc Linh...

Theo đó, nội dung hợp tác tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch và phát triển phát triển nhân lực du lịch. 

Cụ thể, đối với hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, kiến nghị Trung ương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch, nhất là hạ tầng lĩnh vực hàng không đối với các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai. Phối hợp tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng giải quyết các vấn đề về giao thông để các công ty du lịch đưa đón khách du lịch được thuận lợi và an toàn.

Đối với hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, tập trung vào trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch ngắn và dài hạn, tình hình hoạt động du lịch theo từng năm; tình hình thị trường, phát triển sản phẩm, kế hoạch xúc tiến và các chính sách đối với cộng đồng, doanh nghiệp về những vấn đề trên; nguồn nhân lực và công tác đào tạo du lịch; kinh nghiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ du lịch; những khó khăn, vướng mắc, các giải pháp...

Đối với hợp tác phát triển sản phẩm du lịch: Xây dựng và thực thi kế hoạch hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, trong đó sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương mang tính đặc thù, có yếu tố khác biệt tại mỗi điểm đến, có tính cạnh tranh cao với các điểm đến khác và vùng khác nhằm hấp dẫn thị trường khách du lịch quốc tế, thu hút thị trường khách du lịch nội địa. Các cơ sở lưu trú du lịch có cơ chế chính sách ưu đãi về giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ cho các công ty lữ hành, các đoàn Famtrip, Presstrip của các tỉnh.

Trước mắt, tập trung phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch chung 6 tỉnh trong khuôn khổ tham gia các Hội chợ du lịch trong nước tổ chức theo định kỳ hàng năm (VITM Hanoi, ITE HCMC…); xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của 6 địa phương, lấy điểm nhấn là tài nguyên núi, biển, các hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa bản địa với các sản phẩm đa dạng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch các thị trường quốc tế và nội địa; liên kết tổ chức các sự kiện du lịch chung cho 6 tỉnh nhằm tạo thành chuỗi sự kiện, trong đó mỗi sự kiện du lịch cũng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch khai thác một sản phẩm hay một chương trình du lịch mới, có đủ các điều kiện dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đối với hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tập trung vào liên kết xây dựng các sản phẩm để quảng bá, xúc tiến du lịch chung như: xây dựng phim quảng bá du lịch, cẩm nang du lịch, xây dựng gian hàng chung của 6 tỉnh tại các sự kiện: hội chợ, triển lãm, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Hợp tác trong công tác tuyên truyền quảng bá liên vùng, trong đó tập trung phát triển e-Marketing, tham gia và vận động doanh nghiệp địa phương tham gia Hội chợ du lịch quốc tế trong và ngoài nước, tổ chức các đoàn giới thiệu sản phẩm du lịch cho các phóng viên báo chí nhằm quảng bá cho các tỉnh trong chương trình liên kết. Phối hợp tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip trong và ngoài nước đến khảo sát tại các địa phương.

 

Diệu Linh - IpcKonTum  
Số lượt xem:499