Ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022 trên cả nước
29-5-2022

Ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 57/QĐ-BCĐCCHC về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022.

Mục đích của việc kiểm tra là để đánh giá khách quan, toàn diện tình hình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 nói chung, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2022, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cải cách hành chính trong thời gian qua; thông qua đó, làm rõ kết quả cải cách hành chính đạt được trên các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, địa phương; chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, kịp thời chấn chỉnh, để ra biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác cải cách hành chính những năm tiếp theo.

Phát hiện những cách làm hay, sáng tạo; ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước; tạo đột phá mới trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách hành chính. 

Về nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch công tác của bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 (tính đến thời điểm kiểm tra), trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

1. Kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; việc triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ; các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính.

2, Công tác cải cách thể chế: Công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; công tác truyền thông chính sách, pháp luật về cải cách hành chính.

3. Kiểm tra kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông; gửi nhận văn bản, xử lý hồ sơ cộng việc trên môi trường điện tử; quản lý, vận hành, khai thác Cổng dịch vụ Công quốc gia; triển khai Hệ thống thông tin báo cáo... theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ số: 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010; 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008; 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 và 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021; 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019; 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số: 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018, 31/2021/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2021; 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021; 422/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2022... và các văn bản có liên quan.

4. Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Kiểm tra việc triển khai Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính * phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII; kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và quản lý biên chế công chức; kiểm tra việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp...

5. Kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

6. Công tác cải cách tài chính công: Việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước; về tổ chức bộ máy, biến chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý tài sản công.

7. Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...

Để đảm bảo phục vụ công tác kiểm tra, các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra có trách nhiệm chuẩn bị tốt nội dung phục vụ việc kiểm tra; Xây dựng báo cáo và gửi về Bộ Nội vụ trước khi kiểm tra ít nhất 05 ngày; Tạo điều kiện thuận lợi giúp Đoàn kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.

 

Thanh Thúy - ipcKonTum  
Số lượt xem:531