Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum |
1-6-2022 |
![]() |
CT |
Tháng 5/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng trở lại do hầu hết các đơn vị đã thích nghi với trạng thái “bình thường mới”; chỉ số sản xuất toàn ngành ước tính tăng 1,49% so với tháng trước và tăng 5,07% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 1,49% Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2022 ước tính tăng 5,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện (+7,16%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,18%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,2%. So với tháng 4/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2022 ước tính tăng 1,49%. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất phân phối điện (+13,29%); ngành khai thác khoáng sản tăng 1,59%. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 21,53%; đến tháng 5 nguồn nguyên liệu sắn giảm do đã vào cuối vụ thu hoạch, sản lượng tinh bột sắn sản xuất ước tính giảm nhiều so tháng trước nên chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định so tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng (+40,38%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,06%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,38%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,2%. Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 40,38%; khai khoáng khác tăng 12,06%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,78%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,74%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,95%. Ở chiều ngược lại, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 12,32%; sản xuất trang phục giảm 6,15%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 11,72%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 2,56%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 16,98%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 1,90%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,28%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 3,06%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu giảm 7,70%. Tăng, giảm ở một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp Trong tháng 5/2022, ước tính một số sản phẩm sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Đá xây dựng khai thác 30.228,5 m3 (+9,52%); tinh bột sắn ước tính sản xuất 6.590 tấn (+42,83%); gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 18,506 triệu viên (+0,37%); điện sản xuất 205,9 triệu Kwh (+6,25%). Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất đạt 1.052 triệu Kwh (+42,32%); đá xây dựng khác đạt 142.042 m3 (+15,16%); cạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 69,256 triệu viên (+14,95%); ngói, phiến đá lát đường và các sản phẩm tương tự bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 111 nghìn viên (+7,41%); ghế khác có khung bằng gỗ đạt 84.456 chiếc (+2,46%). Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn đạt 102.613 tấn (-11,41%); đường RE đạt 7.188 tấn (-14,18%); bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 707,8 ngàn cái (-5,01%); gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 12.542 m3 (-11,42%); sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 73,7 triệu trang (-2,56%); cồn béo công nghiệp đạt 3.940 tấn (-18,04%); bàn bằng gỗ các loại đạt 35.824 chiếc (-1,03%); phân vi sinh đạt 476 tấn (-4,23%); sản phẩm khác bằng cao su lưu hóa trừ cao su cứng chưa phân vào đâu đạt 775 tấn (-1,9%); cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 10.842 tấn (-7,07%). Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 20,9%; một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và ngành sản xuất, phân phối điện; riêng ngành sản xuất điện có chỉ số sản xuất tăng cao nhất (+40,38%) do một số công trình thủy điện đã hoàn thành và đưa vào vận hành, một mặt năm nay mùa mưa đến sớm hơn, hiện tại lượng nước trên các hồ chứa vẫn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất nên sản lượng điện sản xuất tăng cao. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do một số ngành sản xuất như chế biến tinh bột sắn, sản xuất cồn, chế biến gỗ... còn khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu sản xuất nên sản lượng sản phẩm của các ngành này giảm./.
|
Diễm Hằng - ipcKonTum |
Số lượt xem:538 |