Một trọng những kết quả nổi bật là phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum
12-6-2022
Một trọng những kết quả nổi bật là phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum
CT

Quán triệt Chương trình số 28-CTr/TU ngày 04-5-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quản quan trọng. Một trọng những kết quả nổi bật là phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. 

Về phát triển kinh tế

Trong giai đoạn 2002 - 2020, kinh tế của tỉnh Kon Tum đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên, quy mô của nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 21 lần so với năm 2002, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, tăng khoảng 10 lần. 

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 15.076 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với năm 2002 (940 tỷ đồng) và tăng gần gấp 2 lần so với năm 2011 (7.840 tỷ đồng). Tính theo giá hiện hành, GRDP năm 2020 đạt 24.003 tỷ đồng, tăng gấp 21,3 lần so với năm 2002 (1.127 tỷ đồng) và tăng gấp 2,33 lần so với năm 2011 (10.300 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm cao trong vùng Tây Nguyên, tuy nhiên bình quân qua các giai đoạn có xu hướng giảm dần, trong đó: giai đoạn 2002-2020 đạt 10,18%/năm; giai đoạn 2002-2005 đạt 10,79%/năm; giai đoạn 2006-2010 đạt 14,71%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 7,82%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 7,51%/năm. Riêng các năm 2020, 2021 chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng lần lượt chỉ đạt 6,77% và 6,47%; tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước. 

Cơ cấu nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực và rõ nét; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP giảm từ 44,8% năm 2002 xuống còn 19,75% năm 2020; ngành công nghiệp, xây dựng từ 18,9% tăng lên 26,83%; ngành dịch vụ từ 36,3% tăng lên 44,8%. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 đạt 43,2 triệu đồng/người, gấp 13,4 lần so với năm 2002 (khoảng 3,22 triệu đồng/người). Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện khá, từ 2,86 triệu đồng/người/năm vào năm 2001 tăng lên 28,5 triệu đồng/người năm 2020, tăng khoảng 10 lần.

Thu, chi ngân sách có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2002-2020. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 162 tỷ đồng lên 3.032 tỷ đồng, tăng gấp 18,7 lần. Mặc dù tốc độ tăng trưởng bình quân qua các giai đoạn có giảm4 nhưng số thu ngân sách bình quân qua các giai đoạn tăng đáng kể, từ 226 tỷ đồng giai đoạn 2002-2005 tăng lên 2.774 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020. Tổng chi ngân sách địa phương tăng từ 629 tỷ đồng năm 2002 lên 7.843 tỷ đồng năm 2020, mức tăng khoảng 12,5 lần, bình quân giai đoạn tăng 16,3%/năm. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao và tăng qua các năm; năm 2020 đạt 16.499 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm 2002 (951 tỷ đồng) và gấp 2,7 lần so với năm 2011 (5.949 tỷ đồng). Tăng trưởng bình quân tăng rất cao, giai đoạn 2002-2020 đạt 20,8%/năm. Sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước đóng góp vào vốn đầu tư toàn xã hội tăng đáng kể, từ 21,24% năm 2002 tăng lên 72,4% năm 2020; trong khi khu vực Nhà nước giảm từ 78,76% năm 2002 xuống còn 27,5% năm 2020; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hầu không có sự đóng góp. Hệ số sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) năm 2020 là 7,98, cao hơn so với năm 2002 là 5,98; bình quân giai đoạn đạt 5,46; cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của tỉnh còn thấp. 

Mặc dù năng suất lao động của tỉnh Kon Tum tăng qua các năm, trung bình giai đoạn 2011 - 2015 là 33,63 triệu đồng/lao động/năm tăng lên 43 triệu đồng/lao động/năm vào giai đoạn 2016 - 2020; đạt mức tăng trưởng 5,43%/năm. Tuy nhiên, năng suất lao động của tỉnh còn thấp so với tỷ lệ chung của vùng Tây Nguyên; trong đó năm 2020 đạt mức 48,5 triệu đồng/lao động; so với bình quân chung của vùng là khoảng 84,3 triệu đồng/lao động. 

Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh Kon Tum từ năm 2016 đến năm 2020 luôn đạt giá trị dương và đạt giá trị tương đối cao, nên đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đóng góp của tăng TFP giai đoạn 2016 - 2020 là 35,95% (hơi thấp hơn so với toàn quốc là 45,7% - theo số liệu của Tổng cục Thống kê). 

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phát triển công nghiệp

Trong giai đoạn 2002 - 2020, ngành công nghiệp đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong toàn ngành, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo đúng định hướng. Quy mô ngành công nghiệp (tổng giá trị sản xuất công nghiệp) có sự tăng trưởng khá, từ 402 tỷ đồng năm 2002 lên 10.500 tỷ đồng năm 2020 (theo giá hiện hành), tăng gấp 26 lần. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo đúng định hướng và xu thế phát triển. Quy mô lao động trong lĩnh vực công nghiệp có sự tăng trưởng đáng kể, giai đoạn 2011-2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng từ 25.045 người lên 40.590 người (gấp 1,6 lần); cơ cấu lao động tăng từ 9,6% lên 12,7% trong tổng số lao động trong độ tuổi.

Từ năm 2014 đến năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Kon Tum tăng chậm từ 107% lên 111,3%. Tỷ lệ công nghiệp chế biến so với công nghiệp khai thác, ngày càng thể hiện rõ sự đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản và công nghiệp điện. Trong cơ cấu giá trị sản xuất phân theo ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất (năm 2020 đạt 5.365 tỷ đồng, chiếm 75% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp). Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với 1.350 tỷ đồng, chiếm 18,9%; ngành khai khoáng chỉ đạt 435 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 6%).

Theo định hướng quy hoạch, tỉnh Kon Tum tập trung phát triển ngành c ông nghiệp theo các lĩnh vực như chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư; phát triển ngành công nghiệp nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chiết xuất, chế biến dược liệu; xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất, nuôi trồng, sản xuất chế biến dược liệu, sản phẩm thuốc đông y có chất lượng cao. Kết quả đã thể hiện ở các ngành, sản phẩm chủ lực như: (1) Ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản giữ tỷ trọng trên 51% cơ cấu giá trị sản xuất các ngành công nghiệp và gần 12% trong cơ cấu kinh tế chung; trong đó, giá trị sản phẩm nhóm ngành công nghiệp chế biến có bước phát triển mạnh, năm 2020 đạt 6.715 tỷ đồng, tăng gấp 3,29 lần năm 2011. Các sản phẩm chủ lực của ngành đến từ sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn5; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su7. Tuy nhiên, sản phẩm chế biến của ngành có nhiều tồn tại lớn, chậm được được khắc phục trong thời gian dài; sản phẩm chủ yếu dừng ở dạng thô, mức độ tinh chế cũng như hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn thấp; giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao. (2) Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện của tỉnh được hình thành chủ yếu từ nguồn thủy năng; giai đoạn 2010-2020, ngành đã có bước phát triển mạnh thông qua việc đã đưa vào vận hành 24 công trình thủy điện quy mô vừa và nhỏ với tổng công suất 299,6 MW. Sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng khá, đạt 10,4% cho cả giai đoạn 2011-2020; trong đó, sản lượng năm 2020 đạt 422,455 triệu kwh, tăng gấp 2,44 lần năm 2011. Sản lượng điện địa phương sản xuất tăng mạnh qua hàng năm trong giai đoạn 2011-2020; tổng sản lượng tăng thêm đạt 1.822 triệu kWh, giá trị tăng bình quân hàng năm là 202,4 triệu kWh. Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu và hạn hán làm thay đổi dòng chảy các lưu vực sông, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các nhà máy thủy điện và ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện của tỉnh Kon Tum. Hiện nay xu hướng phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió đang có những bước phát triển mạnh với tiềm năng phát triển rất lớn; trong đó tiềm năng để phát triển dự án điện mặt trời khoảng 6.782,637 MWp và điện gió là khoảng 6.058MW. 

Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp (ngành nông nghiệp)

Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh Kon Tum. Quy mô ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 492 tỷ đồng năm 2002 lên 3.240 tỷ đồng năm 2020, tăng 6,6 lần. Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không ngừng tăng lên. Quy mô lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tăng nhưng cơ cấu trong tổng số lao động giảm, giai đoạn 2011-2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng từ 171.386 người lên 202.628 người, cơ cấu lao động giảm từ 66% xuống 63,4% trong tổng số lao động trong độ tuổi. 

Tổng diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chính đến năm 2021 là 189.013,2 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 118.292,8 tấn (trong đó thóc 94.945,0 tấn). Diện tích một số chỉ tiêu cây trồng chủ lực được duy trì ổn định và phát triển như: cây cà phê khoảng 29.176 ha; cao su 76.233 ha; cây ăn quả đạt 6.375 ha; cây Mắc ca đạt 1.218,9 ha. Diện tích các loại cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng về quy mô. Tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng gần 8.000 ha, trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả, hoa khoảng 300 ha; diện tích cây cà phê, tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến: 7.057 ha; diện tích cây ăn quả gần 600 ha, tăng khoảng 400 ha so với đầu năm 2019;… 

Các công nghệ cao tiếp tục được duy trì áp dụng trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh như: Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để áp dụng cho nhân giống quy mô công nghiệp (cây lan kim tuyến, sâm dây, đương quy,...); Công nghệ tưới tiết kiệm nước, tự động hóa trong bón phân, hệ thống thủy canh, …; Công nghệ cao trong ứng dụng vật liệu mới như ứng dụng nano, bạt phủ trong giữ ẩm đất: Công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, công nghệ giống mới, canh tác theo hướng hữu cơ... 

Tổng diện tích Sâm Ngọc Linh đã trồng được gần 1.240,7 ha, là loại dược liệu quý, gắn với tính đặc thù và lợi thế so sánh của vùng núi Ngọc Linh, việc tiếp tục phát triển Sâm Ngọc Linh như một sản phẩm chủ lực của tỉnh là cần thiết nhằm đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước, hướng đến xuất khẩu theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. 

Chăn nuôi có sự chuyển dịch lớn từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp theo hình thức trang trại. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 139 cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, trong đó có 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm9; 101 cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn10; 01 trang trại chăn nuôi dê quy mô lớn; 01 trang trại chăn nuôi bò quy mô vừa; có 34 liên kết trong hoạt động chăn nuôi11. Một số dự án chăn nuôi đại gia súc đã và đang được triển khai như trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy với quy mô 500 ha và triển khai nuôi khoảng 10.000 con bò sữa; trang trại lợn quy mô 12.000 con tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy; trại chăn nuôi heo quy mô 25.000 con tại xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai... 

Tỉnh Kon tum đã quy hoạch vùng chuyên canh trồng rừng sản xuất tập trung và tiến hành giao, cho thuê để trồng rừng nguyên liệu. Kết quả Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam đã trồng hơn 16.338 ha; Công ty TNHH Innovgreen Kon Tum trồng hơn 2.000 ha... Ngoài ra tỉnh cũng đã quy hoạch vùng chuyên canh trồng Sâm Ngọc linh với tổng diện tích quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh là 31.742 ha, trong đó vùng lõi trồng Sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên là 16.988 ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển Sâm là 14.754 ha (độ cao từ 1.200m - 1.500m). Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện công tác giao đất, giao rừng theo các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 85.723,9 ha cho 5.799 hộ gia đình và 101 cộng đồng thôn, làng để quản lý bảo vệ. Tỷ lệ độ che phủ rừng đến 31-12-2021 đạt 63,12%. 

Phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, thương mại, hậu cần

Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh và tăng đều qua các năm; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 20,62%; quy mô tăng từ 409 tỷ đồng năm 2002 lên 10.755 tỷ đồng năm 2020, gấp khoảng 26,3 lần mặc dù quy mô lao động trong ngành dịch vụ hầu có sự gia tăng nhưng không đáng kể; giai đoạn 2011-2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc trong ngành dịch vụ tăng từ 63.257 người lên 76.385 người; mức tăng bình quân khoảng 2,56%/năm. 

Trong thời gian qua, ngành du lịch đã có những bước chuyển biến và phát triển. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện12, số lượng du khách ngày càng tăng, lượng khách tăng bình quân khoảng trên 6%/năm trong giai đoạn 2011-202013; doanh thu du lịch bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 đạt trên 200 tỷ đồng. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tăng trưởng và quảng bá hình ảnh cho du lịch của tỉnh tổ chức thành công Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Kon Tum định kỳ 2 lần/năm. Tỉnh đang tập trung khai thác và phát huy các sản phẩm du lịch (như: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch văn hoá - tôn giáo; du lịch văn hoá – lịch sử) kết hợp phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch; đã tổ chức rà soát, công nhận 10 điểm du lịch đạt điều kiện để thu hút đón khách phát triển du lịch trên địa bàn14. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, thường xuyên tổ chức các khoá, lớp học để đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về quản lý khách sạn, hướng dẫn viên du lịch. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2020 đạt 22.258,7 tỷ đồng, tăng 369 lần so với năm 2002. Hoạt động xuất khẩu có sự tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu tăng từ 6,1 triệu USD năm 2002 lên 285 triệu USD năm 2020, tăng gấp 47,6 lần; tổng cộng giai đoạn 2002-2020, toàn tỉnh có tổng kim ngạch xuất khẩu là 1.622,3 triệu USD, bình quân tăng 27,44%/năm. Xuất khẩu chủ yếu trên địa bàn tỉnh vẫn là các sản phẩm nông nghiệp (cao su, cà phê, sắn), các sản phẩm công nghiệp (dây thun khoanh, bàn ghế gỗ các loại, tinh bột sắn ), trong đó, năm 2020 xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 90,5% (258 triệu USD), sản phẩm công nghiệp đạt 9,5% trong tổng kim ngạch. Thị trường xuất khẩu trong những năm gần đây ngày càng được mở rộng với các thị trường chính như rung Quốc, Anh, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Indonesia, Hàn Quốc,… Kim ngạch nhập khẩu của tỉnh không đáng kể, tăng từ 2,2 triệu USD năm 2002 lên 6,3 triệu USD năm 2020, mức tăng khoảng 3 lần; tuy nhiên, bình quân tăng trưởng có kết quả khá, giai đoạn 2002-2020 đạt 38,5%/năm, riêng giai đoạn 2016-2020 đạt 78,87% năm. 

Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải của tỉnh cũng từng bước được mở rộng. Trên địa bàn tỉnh có 75 tuyến vận tải hành khách cố định (tăng 21 tuyến so với năm 2015) trong đó có 65 tuyến liên tỉnh, 05 tuyến nội tỉnh và 05 tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào. Các tuyến vận tải hành khách cố định chủ yếu phát triển theo trục đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24. Có 06/09 huyện, thành phố đã có bến xe khách tại trung tâm được công bố đưa vào khai thác 15. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã kết nối vận chuyển hành khách giữa các xã trong 05/09 huyện và hiện nay đang mở rộng kết nối đến các huyện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho 70 đơn vị (tăng 45 đơn vị so với năm 2015), trong đó có 13 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và 57 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá (phần lớn là các đơn vị thi công và đơn vị vận tải nhỏ có số lượng phương tiện ít), không có hộ kinh doanh cá thể. Giai đoạn 2016-2020 sản lượng vận tải tăng đều với mức 6,5%/năm. 

Hoạt động tài chính, ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh. Tổng nguồn vốn huy động tăng gần 6 lần trong giai đoạn 2011-2020, từ 2.775 tỷ đồng lên 16.550 tỷ đồng; tổng dư nợ tăng khoảng 5,4 lần, từ 6.350 tỷ đồng lên 34.340 tỷ đồng; chất lượng tín dụng luôn duy trì ở mức tốt, trung bình hằng năm nợ xấu đều dưới mức 3%. Hệ thống mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng theo năng lực về vốn và chất lượng quản trị hoạt động kinh doanh nhằm phát triển hoạt động dịch vụ ngân hàng. Trên địa bàn tỉnh có 16 chi nhánh tổ chức tín dụng, trong đó có 10 chi nhánh ngân hàng thương mại (với mạng lưới 18 chi nhánh, 28 phòng giao dịch), 01 chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội (gồm 09 phòng giao dịch và 102 điểm giao dịch tại 102/102 xã ) và 05 quỹ tín dụng nhân dân. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã trang bị, lắp đặt và vận hành 241 máy POS và 80 máy ATM. Hoạt động luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả và xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng. 

Với tổng chiều dài biên giới 292,913 km, tỉnh Kon Tum có 01 Cửa khẩu Quốc tế và 03 cửa khẩu phụ. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng khu vực biên giới nói chung, các cửa khẩu phụ nói riêng còn rất nhiều khó khăn, giao lưu thương mại với các tỉnh Campuchia chưa sôi động, chủ yếu là hàng tiêu dùng nhỏ lẻ; hoạt động thương mại qua biên giới chủ yếu tập trung với Lào thông qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Phu Cưa. Tỉnh đã tích cực, khởi xướng 04 tỉnh Nam Lào tham gia vào “Cơ chế hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các địa phương thuộc 03 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan”16 với trọng tâm xác định du lịch là lĩnh vực ưu tiên thực hiện trước, tạo điểm nhấn và lan tỏa cho các lĩnh vực khác (đầu tư, thương mại). Hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt “Đề án khai thác du lịch Khu vực cột mốc quốc giới chung ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia”17; tổ chức các hội thảo chuyên đề hoặc phối hợp điều tra, nghiên cứu tiềm năng du lịch, tiến đến khai thác 18; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch thiết lập hợp tác. Tổ chức, mời các tỉnh bạn tham gia, và tham gia các hội chợ thương mại cấp khu vực do phía bạn tổ chức nhằm góp phần kích cầu cũng như tăng cường khả năng hiện diện hàng hóa của Việt Nam ở khu vực Tam giác phát triển CLV. 

Có thể nói, qua 20 năm thực hiện Nghị Quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, Kết luận số 12-KL/TW  ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ CHính trị khóa XI, kinh tế tỉnh Kon Tum đã đã được những thành tựu hết sức quan trọng như: Duy trì được tốc độ tăng trưởng liên tục cao qua các năm, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2020 tăng gấp 21 lần so với năm 2002; thu nhập bình quân đầu người tăng 10 lần. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Một số loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển ổn định, trở thành mặt hàng nông sản quan trọng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Đặc biệt, Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là thần dược cho sức khỏe, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Quốc bảo” của Việt Nam./.

 

Thế Đắc - ipcKonTum  
Số lượt xem:817