Phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022-2030
28-7-2022
Phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022-2030
CT

Ngày 26/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022-2030 

Theo đó, Phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030” (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung: 

Mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo mỗi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. 

Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 1 (2022 - 2025):

100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. 

100% tỉnh, thành đoàn hằng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên. 

Hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp. 

Ít nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. 

40% các tỉnh, thành đoàn thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. 

40% các tỉnh, thành đoàn có các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. 

Hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. 

Hằng năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP. 

Giai đoạn 2 (2026 - 2030):

100% cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyên trách các cấp làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. 

100% tỉnh, thành đoàn hằng năm có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên. 

Hỗ trợ 12.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 2.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Hằng năm, 200.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp. 

Duy trì và xây dựng 120.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. 

100% các tỉnh, thành đoàn thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. 

100% các tỉnh, thành đoàn có các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. 

Hỗ trợ thành lập 300 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. 

Hằng năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP. 

Để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu, Chương trình đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp cơ bản đó là: (1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của thanh niên đối với sự phát triển kinh tế. (2) Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. (3) Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. (4) Nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. 

Nguồn kinh phí: Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn kinh phí lồng ghép thông qua các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng theo quy định của pháp luật. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.  

Thủ tướng Chính phủ giao:

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình theo từng giai đoạn và hằng năm; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình. Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ đoàn xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình ở địa phương, đơn vị. Tổ chức đánh giá, sơ kết Chương trình vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình; bổ sung, điều chỉnh hoạt động của Chương trình bảo đảm phù hợp thực tế, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. 

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của thanh niên; phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ qiuan, địa phương liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ Chương trình./.

 

 

Thế Đắc - ipcKonTum  
Số lượt xem:2284