Kon Tum đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch covid - 19 |
9-8-2022 |
CT |
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch; đồng thời thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN và đạt được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 208 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ hơn 3.931 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Hiện có 2.769 DN đang hoạt động, tăng hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Trước khó khăn chung của các DN trên địa bàn tỉnh do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, tỉnh Kon Tum đã khẩn trương triển khai các giải pháp để hỗ trợ cho các DN, trong đó tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các Bộ ngành trung ương. Cụ thể, như giảm tiền điện, giảm cước viễn thông, giảm giá nước sinh hoạt, lùi thời điểm đóng phí công đoàn, giảm mức đóng bảo hiểm; hỗ trợ giảm dòng tiền ra của các DN thông qua việc gia hạn nộp các loại thuế VAT, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN, thuế trước bạ cho ô tô; giảm trừ các chi phí xác định thu nhập chịu thuế, điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí; cho vay ưu đãi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã giúp các DN trên địa bàn tỉnh thích ứng và ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch Covid -19 bảo đảm không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn cho DN. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai Nghị quyết chuyên đề số 78/NQ-CP về phòng, chống dịch Covid-19, theo đó triển khai tốt công tác tổ chức hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách, vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa bảo đảm giao thông suốt; các địa phương, ban ngành đã xây dựng giải pháp, phương án, kế hoạch để phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi cả nước, hoạt động của các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh vẫn được duy trì ở mức ổn định, hoạt động thương mại có sự biến chuyển phù hợp với tình hình thực tế, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Thực hiện chính sách tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động tại khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo kịp thời và an toàn. Tính đến tháng 7 năm 2022, đã có 919 DN với 16.048 lao động được hỗ trợ (912 DN giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 15.977 lao động với số tiền 4,974 tỷ đồng; 07 DN vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 71 lao động với số tiền gần 584 triệu đồng) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,558 tỷ đồng. Phê duyệt hỗ trợ 187 hộ kinh doanh, với tổng kinh phí 561 triệu đồng; Phê duyệt hỗ trợ 5.383 đối tượng là người lao động, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và người điều trị F0, người thực hiện cách ly y tế F1 với tổng kinh phí gần 6,213 tỷ đồng. Hỗ trợ cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) 158 người với số tiền 234,6 triệu đồng. Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum giảm 10% giá nước sinh hoạt với tổng số tiền 781 triệu đồng (trong 2 năm 2020 và 2021). UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành thuế kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ngành thuế tỉnh đã tiếp nhận 1.060 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, trong đó có 981 trường hợp được gia hạn thuế và tiền thuê đất với số tiền 85,365 tỷ đồng, cụ thể: 440 DN, tổ chức được gia hạn thuế và tiền thuê đất với số tiền 80,194 tỷ đồng; 541 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được gia hạn thuế và tiền thuê đất với số tiền 5,171 tỷ đồng. Ngoài ra, có 411 DN được giảm 30% thuế TNDN phải nộp kỳ tính thuế năm 2020 theo Nghị định số 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số tiền 5,960 tỷ đồng. Các chính sách tín dụng để hỗ trợ DN đã được các đơn vị tín dụng trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện. Lũy kế đến ngày 30/5/2022, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn là 7.893 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 138 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 82 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 654,59 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 56 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi lũy kế là 32,56 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 12.984 tỷ đồng và 6.274 khách hàng còn dư nợ. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng đã chủ động cân đối khả năng tài chính, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện để DN trên địa bàn tỉnh phục hồi và phát triển. Một số ngân hàng áp dụng giảm bình quân từ 0,2-0,5%/năm so với mặt bằng lãi suất chung, theo đó mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với các năm trước (lãi suất vay ngắn hạn bằng VNĐ phổ biến từ 6-8%/năm, 8-10,5%/năm đối với trung và dài hạn). Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã thực hiện chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ cho DN, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP; Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải quyết cho 11 người sử dụng lao động, với 291 lượt người lao động vay với số tiền 872 triệu đồng. Ngoài quan tâm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho DN theo Nghị định của Chính phủ và các Bộ, ngành, tỉnh Kon Tum còn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, coi đây là giải pháp quan trọng, lâu dài để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương; Tham mưu Nghị quyết của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; ban hành Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025... Cùng với đó là tăng cường đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong công việc để giảm thời gian thực hiện các thủ tục, tăng tính tiện lợi và hiệu quả cho DN; thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết thủ tục đầu tư tỉnh để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nên môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh dần được cải thiện, thuận lợi cho DN hoạt động, sản xuất kinh doanh.
|
Diễm Hằng - ipcKonTum |
Số lượt xem:625 |