Quy định cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 |
30-8-2022 |
Tại Nghị quyết số 59/2022/NQ-HĐND ngày 29/8/2022, HĐND tỉnh ban hành Quy định cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Theo đó, việc huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn huy động khác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh phải đúng mục đích, sử dụng hiệu quả, minh bạch, được kiểm tra, giám sát đầy đủ và hướng tới hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình MTQG. Huy động nguồn vốn tín dụng Hàng năm cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội (cấp tỉnh, cấp huyện), bổ sung vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện. Cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay các đối tượng theo các chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền quyết định: Đối với ngân sách cấp tỉnh tối thiểu 15 tỷ đồng/năm; Đối với ngân sách cấp huyện, thành phố Kon Tum tối thiểu 2,5 tỷ đồng/năm, huyện nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tối thiểu 01 tỷ đồng/năm và các huyện còn lại tối thiểu 1,5 tỷ đồng/năm. Bổ sung vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện: Ngân sách cấp tỉnh tối thiểu 02 tỷ đồng/năm; Ngân sách cấp huyện: TP. Kon Tum tối thiểu 0,5 tỷ đồng/năm, các huyện còn lại tối thiểu 0,3 tỷ đồng/năm. Huy động nguồn vốn hợp pháp khác Theo Nghị quyết, việc huy động nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình MTQG phải đảm bảo nguyên tắc: Huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình; các nguồn lực tham gia đóng góp phải trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tự nguyện, đúng mục tiêu chương trình và đảm bảo cơ chế giám sát của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng. Tuyệt đối không được yêu cầu nhân dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không thực hiện huy động đối với hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, gia đình chính sách, đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội. Đối với nguồn vốn huy động thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các chủ chương trình, các cấp, các ngành và các địa phương chủ động tiếp cận và tích cực vận động nguồn ODA (ưu tiên nguồn ODA không hoàn lại) theo qui định pháp luật hiện hành để thực hiện có hiệu quả các chương trình. Tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tại địa bàn phải căn cứ vào mục tiêu, ưu tiên trong các dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ chi thuộc Chương trình MTQG và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Việc huy động nguồn lực gắn với các dự án chỉ sử dụng một nguồn vốn hoặc dự án lồng ghép có chung mục tiêu, đối tượng trên địa bàn, phải dựa trên cơ sở thỏa thuận rõ về sự tham gia vào quá trình thẩm định, phê duyệt, thủ tục hạch toán, đối ứng, quản lý tài chính đối với phần vốn góp của các bên đóng góp để khuyến khích góp vốn chung. Giá trị huy động các nguồn lực khác phải được thể hiện rõ trong quyết định phê duyệt dự án, dự toán của cấp thẩm quyền và phải được theo dõi, đánh giá, tổng hợp, báo cáo trong kế hoạch 5 năm và hàng năm. Về tổ chức huy động vốn đóng góp từ người dân, UBND cấp huyện, xã triển khai huy động theo quy định, nội dung huy động vốn phải được tất cả các hộ dân trong cộng đồng dân cư được hưởng lợi thống nhất, mức huy động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Tổ chức huy động vốn đóng góp, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, UBND cấp huyện, xã thực hiện tuyên truyền, vận động tài trợ, ủng hộ các dự án hỗ trợ sản xuất và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật...
|
Công Dinh - IpcKonTum |
Số lượt xem:434 |