Tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư ngoài ngân sách |
9-9-2022 |
![]() |
CT |
Ngày 07/9, Bộ Tài chính có Văn bản số 8915/BTC-ĐT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn NSNN và Đôn đốc kiểm tra, đánh giá thực hiện, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, thực hiện Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Căn cứ công văn số 3721/KBNN-KSC ngày 28/7/2022 của Kho bạc Nhà nước về việc báo cáo tình hình tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến hết ngày 30/6/2022, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Về tăng cường quản lý việc tạm ứng vốn đầu tư công nguồn NSNN: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tại công văn số 3721/KBNN-KSC ngày 28/7/2022, lũy kế số dư tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đến hết ngày 30/6/2022 của các Bộ, ngành và địa phương là 157.247.713 triệu đồng (cao hơn so với thời điểm đến hết ngày 31/01/2021 là 140.150.416 triệu đồng), trong đó: số dư tạm ứng của các Bộ, ngành trung ương là 27.134.905 triệu đồng, số dư tạm ứng của các địa phương là 130.112.808 triệu đồng. Để tăng cường công tác quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn NSNN đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng có hiệu quả, căn cứ Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nội dung sau: (i) Chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng; hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. (ii) Tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc tạm ứng hợp đồng, tạm ứng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý việc sử dụng vốn tạm ứng không đúng quy định của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng... Xử lý số vốn tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của các Bộ, cơ quan trung ương Đối với số vốn tạm ứng quá hạn của các Bộ, cơ quan trung ương, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tại công văn số 3721/KBNN-KSC ngày 28/7/2022, số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của các Bộ, cơ quan trung ương là 2.132.119 triệu đồng. So với thời điểm đến hết ngày 31/01/2021 (Bộ Tài chính có công văn số 3630/BTC-ĐT ngày 20/4/2022 đôn đốc các bộ, ngành trung ương thu hồi số tạm ứng quá hạn), nhiều đơn vị đã có công văn yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán dự án; yêu cầu các nhà thầu khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc theo hợp đồng đã ký, kịp thời nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành và thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn. Theo đó, một số đơn vị đã giảm đáng kể số tạm ứng quá hạn, như: Bộ Tư pháp; Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, một số đơn vị mới phát sinh tăng số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi: Đại học Quốc gia Hà Nội; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài ra, một số đơn vị còn số tạm ứng đã quá hạn thời gian dài do dự án đã đình hoãn, không thực hiện (Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc các đơn vị này) như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng, thủ trường các cơ quan trung ương quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư: (i) Đối với các dự án đã hoàn thành, giãn, hoãn tiến độ; hoặc chủ đầu tư đã giải thể; nhà thầu phá sản: yêu cầu các chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và thực hiện tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. (ii) Đối với các dự án đang thực hiện đã có khối lượng hoàn thành: khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn tất thủ tục thanh toán để làm việc với Kho bạc Nhà nước thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn. Đối với số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của các địa phương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước rà soát số vốn tạm ứng quá hạn, báo cáo UBND cùng cấp để có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn./.
|
Khắc Quang - IpcKonTum |
Số lượt xem:434 |