Hạ tầng giao thông tỉnh Kon Tum đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và kết nối giao thương |
7-2-2023 |
CT |
Trước năm 2000, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển không đồng bộ chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tại thời điểm đó giao thông đối ngoại bằng đường bộ chỉ có một hướng về phía Gia Lai theo Quốc lộ 14, Quảng Ngãi theo Quốc lộ 24 tuy nhiên chất lượng đã hư hỏng, xuống cấp, hệ thống đường địa phương chủ yếu là đường đất và cấp phối, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống giao thông còn quá thiếu đa số các điểm vượt sông là ngầm tạm, cầu gỗ, cầu treo tải trọng nhỏ.
Qua hơn 20 năm, mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Trong giai đoạn từ năm 2002, hàng loạt các tuyến đường, công trình huyết mạch quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới như: đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh thành phố Kon Tum, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B; các đường tỉnh: Tỉnh lộ 671, 675, 677, 678, đường tái định cư thuỷ điện Plei Krông, Đường Sa Thầy - YaLy - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - làng Rẽ (Mô Rai), huyện Sa Thầy (Tỉnh lộ 674); Đoạn tránh Đèo Văn Rơi; Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh;… cùng nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn được xây dựng, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung.
Tính đến năm 2021, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khoảng 6.138 km đường giao thông; trong đó, 06 Quốc lộ dài 522,59km, chiếm 8,54% (Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) dài 181km; Quốc lộ 14C dài 106,8km; Quốc lộ 24 dài 99,2km; Quốc lộ 40 dài 21,5km; Quốc lộ 40B dài 61,94km; Đường Trường Sơn Đông dài 52,12km); Đường tỉnh (22 tuyến) dài 525,97km, chiếm 8,57%; Đường huyện dài 731km, chiếm 11,91%; Đường xã, đường giao thông nông thôn khác dài 3.452km, chiếm 52,24%; Đường đô thị dài 443,12 km, chiếm 7,22%; Đường chuyên dùng dài 28,29km, chiếm 0,46 %; Đường Tuần tra biên giới dài 435km, chiếm 7,09%; mật độ đường giao thông so với diện tích đất tự nhiên đạt 0,63 km/km2; Mật độ đường giao thông so với tổng dân số đạt 11,29 km/1000 dân. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa chiếm 23,22%; mặt đường bê tông xi măng chiếm 31,43%; mặt đường nhựa chiếm 20,32%; còn lại là đường cấp phối và đường đất chiếm tỷ lệ lớn với 25,03%.
Đến hết năm 2022, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh là 6145,37km; mật độ đường giao thông so với diện tích đất tự nhiên 0,63km/km2; mật độ đường giao thông so với tổng số dân 11,29km/1000 dân; đường bê tông nhựa chiếm 12,2%; mặt đường bê tông xi măng 30,35%; mặt đường láng nhựa 10,92%; đường đất và đường cấp phối 42,01%.
Do yếu tố địa hình, nên tỉnh Kon Tum chưa có hệ thống đường thủy nội địa, chủ yếu là các hoạt động vận tải thuỷ quy mô nhỏ trên các lòng hồ thuỷ điện; đồng thời trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có tuyến đường sắt chạy qua và không có hoạt động hàng không. Trước đây, trên địa bàn tỉnh có 3 sân bay gồm: Sân bay Kon Tum; Sân bay Phượng Hoàng (Tân Cảnh -Đăk Tô); Sân bay Măng Đen. Các sân bay được xây dựng khai thác từ thời chiến, nhưng hiện nay không sử dụng. Trong đó sân bay Kon Tum đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở.
Tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2025 là phát triển giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông – Tây.
Theo đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị, du lịch. Phát triển ngành dịch vụ logistic chuyên ngành vận tải và tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Cụ thể, hoàn thành Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quy hoạch phát triển tỉnh Kon Tum; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư hoàn chỉnh dự án Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn tỉnh, đầu tư tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua các đô thị; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Pleiku - Kon Tum - Ngọc Hồi - Bờ Y; Tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của địa phương theo nghị quyết HĐND tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả như dự án trên tỉnh lộ 671, 675, 673, đường tái định cư Thủy điện Plei krông; rà soát nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, xã theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trục có lưu lượng giao thông lớn, các tuyến đường thuộc khu kinh tế trọng điểm của tỉnh; Xây dựng mới các tuyến đường giao thông nông thôn bằng cách lồng ghép vào chương trình Nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Trong đó, tập trung vào triển khai một số công trình, dự án giao thông trọng điểm mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư của địa phương như kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư hoàn chỉnh dự án Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn tỉnh, đầu tư tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua các đô thị; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Pleiku - Kon Tum - Ngọc Hồi - Bờ Y; Hoàn thành đưa vào khai thác dự án Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum trong năm 2022, đảm bảo kết nối thuận lợi giữa Kon Tum với các tỉnh duyên hải miền Trung.
Giai đoạn giai đoạn 2021 - 2025, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn của địa phương được giao làm chủ đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả như: Dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy; Xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52 (đường Đồng Nai), thành phố Kon Tum; Xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 675 đoạn từ Km0 - Km24; Sửa chữa nền, mặt đường, công trình thoát nước, an toàn giao thông đoạn Km20 - Km39, đường Tái định cư thuỷ điện Plei Krông.
Cùng với đó là đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, xã theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trục có lưu lượng giao thông lớn, các tuyến đường thuộc khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Có thể thấy, hệ thống giao thông của tỉnh đang được “nối dài” từng ngày; trên mỗi cung đường mới được thảm nhựa hay bê tông hoá. Điều đó, đã mở rộng hơn “cánh cửa” giao thương với các tỉnh trong khu vực và cả nước, góp phần lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân trong tỉnh./.
|
Khắc Quang - Ipckontum |
Số lượt xem:445 |