Xử Lý nhanh các thủ tục Về Đầu Tư, Kinh Doanh; Các Dịch Vụ Hành Chính Công Điện Tử Cho Các Nhà Đầu Tư nước ngoài
15-2-2023

Ngày 13/02, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 857/VPCP-QHQT gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về báo cáo tình hình ĐTNN năm 2021 và 10 tháng năm 2022.

Theo đó, xét kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài và công tác Xúc tiến đầu tư năm 2021, 10 tháng năm 2022 và tình hình thực hiện chế độ báo cáo của các địa phương (Báo cáo) kèm theo Công văn số 8268/BKHĐT-ĐTNN ngày 15 tháng 11 năm 2022 về tình hình đầu tư nước ngoài năm 2021 và 10 tháng năm 2022, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có ý kiến như sau: 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (i) Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. (ii) Phối hợp các địa phương tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, công tác giám sát và thi hành pháp luật, công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài. (iii) Phối hợp, hỗ trợ các địa phương xúc tiến, đàm phán, tư vấn chính sách, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài trên nguyên tắc các bên cùng có lợi. (iv) Tuyên truyền quảng bá về sự sẵn sàng của Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới với các lợi thế về môi trường đầu tư, hạ tầng, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: (i) Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại: Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 52020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. (ii) Triển khai thực hiện các giải pháp tại Báo cáo nghiên cứu giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao tại Công văn số 3629/VPCP-QHQT ngày 10 tháng 6 năm 2022. 

Bộ Tài chính sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách của Việt Nam trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng vẫn duy trì được ưu đãi, hỗ trợ đảm bảo tính hấp dẫn và cạnh tranh trong thu hút đầu tư. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật các quy định xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thực hiện pháp luật đất đai trong sửa đổi Luật Đất đai lần này; rà soát lại các tiêu chuẩn, tiêu chí về môi trường. 

Các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và đào tạo triển khai đào tạo lao động có tay nghề và lao động cấp quản lý, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số. 

Bộ Công thương triển khai thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại; đẩy nhanh việc ban hành và thực thi chính sách để ngành công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian sắp tới, để các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong làn sóng đầu tư giai đoạn tới. 

Các Bộ: Quốc phòng, Công an: rà soát các quy định về an ninh quốc phòng; phối hợp với các địa phương rà soát lại tình hình hoạt động của các dự án nằm trong khu vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; rà soát thủ tục cấp visa cho nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện. 

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: (i) Chủ động tiếp cận, xúc tiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương. (ii) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư kinh doanh; triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư. (iii) Rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tái định vị sản xuất. (iv) Rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài; đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông, logistic...) để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn. (v) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng hạn chế độ báo cáo định kỳ theo quy định, đảm bảo thông tin cập nhật và chất lượng, đặc biệt là chế độ báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư./.

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:567