Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt –Trung trong bối cảnh mới |
28-2-2023 |
Ngày 27/02, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông báo số 1040/TB-BNN-VP về ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt –Trung trong bối cảnh mới” Theo đó, ngày 14/02, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt –Trung trong bối cảnh mới” tại Thành phố Lạng Sơn. Sau khi nghe các báo cáo đề dẫn, phân tích đề xuất thúc đẩy giao thương nông lâm thủy sản giữa hai nước; các ý kiến trao đổi, thảo luận về nhu cầu, khả năng cung ứng và những vấn đề còn vướng mắc trong xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo như sau: Trung Quốc là thị trường lớn của thế giới và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam. Việc tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản sẽ góp phần đẩy mạnh trao đổi thương mại và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam –Trung Quốc trong thời gian tới. Năm 2023, dự báo bên cạnh những cơ hội khi tình hình thông quan hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt – Trung được cải thiện, có rất nhiều các khó khăn thách thức trong bối cảnh mới cần trao đổi, tháo gỡ như: xu hướng giảm cầu trên thế giới; quy định về kỹ thuật và thủ tục xuất nhập khẩu ngày càng chặt chẽ; sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực, các yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất và yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng cao;... Tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc, duy trì phát triển thị trường: Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động đàm phán mở thêm các sản phẩm mới, bổ sung thêm vùng trồng/vùng nuôi, doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; chủ động ứng phó tháo gỡ các vướng mắc trong xuất nhập khẩu, duy trì và phát triển thị trường. Tiếp tục khẩn trương phổ biến, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc để doanh nghiệp triển khai thực hiện, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm theo Lệnh số 248 ngày 12/4/20221 quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Lệnh số 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất khẩu của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: (i) Các doanh nghiệp chưa có mã số trong danh mục được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần chủ động đăng ký trực tiếp hoặc đăng ký qua các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam. Khi có các vấn đề vướng mắc hoặc chưa rõ, kịp thời đề nghị các cơ quan thẩm quyền hướng dẫn, hỗ trợ; (ii) Các doanh nghiệp đã có mã số trong danh sách được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ và cập nhật trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước ngày 30/6/2023; Các doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng, chuẩn hóa hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000, VIETGAP, hữu cơ; các cơ sở, vùng trồng, vùng nuôi phải duy trì các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về ghi nhãn, bao gói sản phẩm để sẵn sàng đáp ứng việc kiểm tra xác suất trực tuyến hoặc kiểm tra trực tiếp tại thực địa theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; khẩn trương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu; minh bạch hóa thông tin với các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói theo mùa vụ, thời vụ; chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất; tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản./.
|
Thị Hạnh - Ipckontum |
Số lượt xem:1145 |