Những kết quả đạt được từ đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngành, địa phương năm 2022
15-3-2023
Những kết quả đạt được từ đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngành, địa phương năm 2022
CT

Tiếp tục những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1906/KH-UBND ngày 20/6/2022 triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum (DDCI) năm 2022 tại 12 đơn vị nhóm sở, ngành và 10/10 huyện, thành phố.

Theo đó, các đơn vị thuộc nhóm sở, ban, ngành gồm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNT, Thông tin và truyền thông, Giao thông vận tải; các cơ quan: Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Thuế tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thanh tra tỉnh; Nhóm địa phương gồm 10 huyện, thành phố của tỉnh. Việc đánh giá Chỉ số DDCI năm 2022 thực hiện trên 8 chỉ số thành phần (CSTP), gồm: Tính minh bạch; Tính năng động; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Vai trò người đứng đầu. 

Điểm đáng chú ý từ DDCI năm 2022

Khảo sát DDCI năm 2022, ghi nhận một số điểm đáng chú ý về chất lượng điều hành kinh tế của 2 nhóm trong năm 2022 qua các CSTP của DDCI, cụ thể: Các CSTP "Tính minh bạch", "Hỗ trợ doanh nghiệp" và "Cạnh tranh bình đẳng" có điểm trung vị cao ở nhóm sở, ngành; các CSTP "Chi phí thời gian", "Cạnh tranh bình đẳng" và "Chi phí không chính thức" là các CSTP có điểm trung vị cao ở cấp huyện. Ở chiều ngược lại các CSTP "Chi phí không chính thức", "Chi phí thời gian" và "Tính năng động" có điểm trung vị thấp ở nhóm sở ban ngành; đối với cấp huyện, các CSTP có điểm trung vị thấp là "Vai trò người đứng đầu", "Tính năng động" và "Tính minh bạch".

Chất lượng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do các đơn vị tại tỉnh tổ chức đã có sự cải thiện trong năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận “Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do sở, ban, ngành tổ chức đều thiết thực” có trung vị tăng 9% ở nhóm sở, ngành và tăng 3,4% ở cấp huyện.

Công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại đã có sự cải thiện tích cực, trung vị tiêu chí “Phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp luôn được giải quyết thỏa đáng” tăng 3,6% ở nhóm sở, ngành và 7,4% ở cấp huyện. Bên cạnh đó hai tiêu chí “Có hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại hành vi sai trái” và “Có cơ chế đảm bảo công bằng, minh bạch trong giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại” đều có điểm trung vị tăng ở hai nhóm.

Tỷ lệ doanh nghiệp có trả ""Chi phí không chính thức" đều có xu hướng giảm ở hai nhóm, trong đó cấp huyện có mức giảm cao hơn (6,4% so với 0,8% ở nhóm sở, ngành), tuy nhiên trung vị ở cả hai nhóm đều trên 10% nên cần phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác cắt giảm "Chi phí không chính thức".

Mặc dù cảm nhận có sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp lớn có xu hướng giảm; tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sư ưu ái dành cho các doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp lớn gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác vẫn ở mức khá cao.

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp truy cập website của sở, ngành và cấp huyện đang xu hướng gia tăng. Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “thông tin trên website là hữu ích” chưa có sự cải thiện.

Chưa có nhiều sự đánh giá tích cực về các đơn vị phản ứng chủ động trong giải quyết những vấn đề mới phát sinh hay những vướng mắc ngoài quyền hạn, trung vị các tiêu chí này ở hai nhóm chỉ ở mức từ 52,1% đến 57,4%. 

Tại CSTP "Chi phí thời gian", tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên tăng so với năm trước, 0,5% ở nhóm sở, ngành và 1,1% ở cấp huyện. Bên cạnh đó tiêu chí “Nội dung thanh, kiểm tra trong phạm vi của quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành” có trung vị chưa cao (65,8% ở nhóm sở, ngành và 69% ở cấp huyện) cần có thêm những nỗ lực cải thiện. 

Giải pháp, kiến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh

Từ kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum năm 2022, có thể thấy cần thiết chú trọng tính năng động, dám nghĩ, dám làm trong công tác đánh giá cán bộ và lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. 

Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp: Nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trong công tác cung cấp thông tin của doanh nghiệp; các đơn vị cần đảm bảo mọi doanh nghiệp có thể dễ dàng, thuận lợi nhất trong việc tiếp cận thông tin thông qua việc tóm tắt, tóm lược các nội dung quan trọng. Nghiên cứu chu trình hóa, sơ đồ hóa các bước để doanh nghiệp có dễ hiểu và dễ thực thi. 

Tiếp tục thực hiện các nỗ lực cắt giảm "Chi phí không chính thức" trên các tiêu chí: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên; gắn chặt trách nhiệm kiểm soát tham nhũng với công tác đánh giá cán bộ. 

Thực hiện tốt các nghị quyết và chính sách về cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm mục tiêu tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thành lập tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư...

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:475