Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
6-4-2023
Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
CT

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. 

Ngoài ban hành văn bản chỉ đạo, tỉnh còn tổ chức đi kiểm tra thực tế để nắm bắt tình hình giải ngân và giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tổ chức các cuộc họp nhằm đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; phát hiện kịp thời những sai sót, chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả dự án. 

Tổng Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 Trung ương giao cho tỉnh là 3.587 tỷ 159 triệu đồng, gồm nguồn vốn ngân sách địa phương 1.086 tỷ 237 triệu đồng và ngân sách trung ương 2.500 tỷ 922 triệu đồng. Qua rà soát tình hình thực tế các nguồn thu của tỉnh, đã giao Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 4.712 tỷ 600 triệu đồng (giao tăng hơn so với mức vốn trung ương dự kiến giao 1.125 tỷ 441 triệu đồng thuộc nguồn thu sử dụng đất), gồm nguồn ngân sách địa phương 2.211 tỷ 678 triệu đồng và nguồn ngân sách trung ương 2.500 tỷ 922 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thực hiện phân bổ 4.376 tỷ 859 triệu đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 335 tỷ 741 triệu đồng (thuộc nguồn ngân sách địa phương). 

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 20/3/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 373 tỷ 892 triệu đồng, đạt 11,8% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao (3.162 tỷ 159 triệu đồng). 

Ngay sau khi Trung ương giao, tỉnh đã khẩn trương thực hiện phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023 để đảm bảo các dự án có thể giải ngân ngay từ những tháng đầu năm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại như quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo chủ động cho địa phương, làm mất rất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện dự án.

Hầu hết các dự án trên địa bàn đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Do chính sách GPMB, tái định cư vẫn còn có vướng mắc chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Việc chưa có cơ chế cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng riêng và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ và gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. 

Ngoài ra, việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện. 

Cụ thể, hiện nay, đối với dự án không có cấu phần xây dựng (trừ dự án ứng dụng công nghệ thông tin) chưa được các bộ, ngành trung ương hướng dẫn về tính toán, xác định chi phí quản lý dự án, các loại chi phí tư vấn liên quan (như chi phí lập dự án đầu tư, chi phí thiết kế bản vẽ thi công – dự toán, chi phí giám sát thi công, chi phí lập E-HSMT, ....) dẫn đến đơn vị lúng túng trong việc xác định các loại chi phí trên để đưa vào tổng mức đầu tư. 

Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, dẫn đến các công trình do cấp huyện quản lý còn có khoảng 107 công trình với tổng kế hoạch vốn đã bố trí là 85 tỷ 697 triệu đồng và các công trình do các sở, ngành thực hiện còn 20 công trình với tổng kế hoạch là 106 tỷ 201 triệu đồng chưa thể hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn của cơ quan Trung ương. 

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền chưa được Trung ương cho phép một cách triệt để. Cụ thể, theo quy định tại Điều 52 và Điều 68 Luật Đầu tư công 2019 thì việc kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn ngân sách địa phương (gồm 3 cấp: tỉnh, huyện, xã) đều thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Điều này phần nào gây bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện, mất nhiều thời gian, thủ tục cho chính quyền các cấp. 

Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong thời gian tới, tỉnh tập trung một số giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt như tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định. 

Rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. 

Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. 

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công.

 

 

 

Diệu Linh - Ipckontum  
Số lượt xem:504