PCI Kon Tum 2022: Kết quả nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy |
18-4-2023 |
Triển khai Nghị quyết 11, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, như: Chương trình số 2359/CTr-UBND ngày 22/7/2022, Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 20/01/2022, Kế hoạch số 1906/KH-UBND ngày 20/6/2022; Thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Chỉ số PCI); Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh... Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số PCI năm 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 11/4, Tỉnh Kon Tum đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Đây là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay. So với năm 2021, Chỉ số PCI của Kon Tum đã tăng 24 bậc; có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Gia nhập thị trường 6,37 điểm (tăng 0,21); Chi phí không chính thức 7,21 điểm (tăng 1,41); Cạnh tranh bình đẳng 6,44 điểm (tăng 0,79); Tính năng động 6,46 điểm (tăng 0,04); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 6,16 điểm (tăng 0,23); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,21 điểm (tăng 1,62). Trong đó, một số chỉ số có thứ hạng cao, như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (thứ 10/63), Cạnh tranh bình đẳng (thứ 20/63), Chi phí không chính thức (thứ 21/63), Tính minh bạch (thứ 30/63)... Có được sự chuyển biến mạnh mẽ, thăng hạng Chỉ số PCI trên là sự nỗ lực của các ngành, các cấp; sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh. Khẳng định tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để vượt qua những “điểm nghẽn”, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế phục hồi, phát triển. Cụ thể: Tính đến 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh có 3.965 doanh nghiệp (trong đó, có 13 doanh nghiệp có vốn nước ngoài và 20 doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước); năm 2022, có 334 doanh nghiệp thành lập mới, 47 doanh nghiệp giải thể và 113 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Năm 2022, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được lãnh đạo tỉnh quan tâm thực hiện quyết liệt, định kỳ hàng tuần, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; báo cáo, tham mưu UBND tỉnh giao các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cùng với đó, đã tổ chức thành công 2 hội nghị đối thoại doanh nghiệp và tổ chức Chương trình “Cà phê Doanh nghiệp - Doanh nhân” định kỳ hàng tháng. Qua đó, đã ghi nhận 84 vấn đề khó khăn, vướng mắc từ Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hầu hết các phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Theo thống kê, năm 2022, tỉnh đã thu hút 22 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.675,25 tỷ đồng; trong đó, có 13 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký gần 191,25 tỷ đồng, 09 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 1.483 tỷ đồng. Đã hướng dẫn trên 80 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có yêu cầu hỗ trợ, trong đó có một số nhà đầu tư lớn và tập đoàn có tiềm lực đã đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn Hưng thịnh, Công ty Cổ phần Him Lam, Nutifood, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Hạ tầng giao thông (Intracom),... Để đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh Kon Tum đã có những định hướng một số chỉ tiêu lớn vào năm 2025, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 từ 10%/năm trở lên; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người từ 70 triệu đồng trở lên; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025; Trên 60% lao động qua đào tạo; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; có 60 xã (70,5% số xã) trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... Với đặc thù là tỉnh miền núi, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển KT-XH, cho nên việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài là rất quan trọng. Vì vậy, cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, xây dựng; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, tập trung vào một số nội dung, như: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; Tăng cường thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư kinh doanh xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư, tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước; tiếp tục tăng cường kết nối, quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp và địa phương nước ngoài, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc...; Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm đang triển khai để sớm đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh; Chú trọng đầu tư, khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử - làng nghề và du lịch cộng đồng; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ... Mặc dù có sự cải thiện vượt bậc về thứ hạng so với các năm trước đây; tuy nhiên, để đánh giá các kết quả đạt được cũng như hạn chế yếu kém trong thực hiện Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá, phân tích, đồng thời tiếp tục đề xuất các giải pháp cải thiện, nâng cao hơn nữa đối với từng chỉ số thành phần trong Chỉ số PCI năm 2022 do cơ quan, đơn vị chủ trì theo dõi; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá, phân tích kết quả Chỉ số PCI tỉnh Kon Tum 2022, trên cơ sở đó, tiếp tục đề xuất các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để duy trì và nâng cao chỉ số này trong năm 2023 và các năm tiếp theo.... Và cũng mới đây, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, từ nay đến cuối năm 2023 phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt để tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 10%; giữ vững kết quả và phấn đấu tăng hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index so với năm 2022; trong đó, chỉ số PCI năm 2023 đạt thứ hạng từ 30-35/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Có thể nói, kết quả xếp hạng PCI năm 2022 của tỉnh đã nỗ lực thiết lập dấu ấn mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Kết quả này là sự động viên lớn đối với tỉnh, khẳng định sự đúng hướng trong chỉ đạo nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp nhằm tạo đột phá phát triển KT - XH như mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh đã đề ra./.
|
Diệu Linh - Ipckontum |
Số lượt xem:751 |