Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh
5-5-2023
Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh
CT

Ngày 28/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 57-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30-01-2023 của Bộ Chính trị “về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới” .

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu chung là phấn đấu xây dựng nền công nghệ sinh học của tỉnh đạt trình độ trung bình chung của cả nước; các sản phẩm công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. 

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tiếp nhận, làm chủ từ 07-10 quy trình công nghệ chọn tạo và nhân nhanh các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao; 05-07 quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm sinh học; kit chẩn đoán, giám định và phát hiện sinh vật gây hại, các loại bệnh, hoạt chất cấm trong nông nghiệp. Ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong kiểm định, kiểm nghiệm nguồn gốc, chất lượng sâm Ngọc Linh và các dược liệu có giá trị kinh tế khác phục vụ công tác quản lý và sản xuất, kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh. Thu hút, đầu tư phát triển 02-03 Trung tâm, tổ chức, doanh nghiệp (trong và ngoài công lập) có tiềm lực công nghệ sinh học học đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ công nghệ để tổ chức chuyển giao, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường... Có trên 50% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, môi trường triển khai ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc sinh học đạt chất lượng, đảm bảo an toàn; thu hút 05-07 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, công nghiệp thực phẩm, y tế… 

Tầm nhìn đến năm 2045: Tỉnh Kon Tum có nền công nghệ sinh học phát triển đạt mức trung bình chung của cả nước. Có trên 70% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn; thu hút 10-15 doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, công nghiệp thực phẩm, y tế… 

Để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: (1) Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt; (2) Thực hiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh; (3) Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng học; (4) Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; (5) Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy thực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thành ủy phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và Chương trình này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa và bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình. Đồng thời, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình này và tham mưu sơ kết, tổng kết theo quy định./.

 

 

Diễm Hằng - Ipckontum  
Số lượt xem:299