Những Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 08 - 12/5/2023
13-5-2023
Những Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 08 - 12/5/2023
CT

Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; Kiểm điểm tập thể, cá nhân giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp; Ban hành Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng; Giải quyết dứt điểm tình trạng giải quyết TTHC quá hạn; Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp thuộc tỉnh; Phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”; Tăng cường công tác truyền thông chính sách; Tăng cường công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng trong cơ sở GDPT; Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Ngọc Hồi và TP. Kon Tum... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 08 - 12/5/2023. 

Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 

Triển khai Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023, tại Công văn số 1319/UBND-KTTH ngày 09/5, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thường xuyên bồi dưỡng năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị, địa phương; thực hiện tốt quy chế làm việc, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao và các nhiệm vụ theo chương trình công tác của các đơn vị, địa phương. 

Triển khai xác minh tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo đúng quy định hiện hành. Rà soát, thực hiện tốt các nhiệm vụ kiểm tra theo chương trình, kế hoạch, đảm bảo tiến độ, quy trình, quy định gắn với lãnh đạo thực hiện nghiêm các kết luận kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền. 

Các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; Giải quyết hoặc tham mưu giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn trong Nhân dân ngay từ khi mới phát sinh, nhất là những vụ việc liên quan đến an ninh nông thôn, khiếu kiện về đất đai, tài nguyên, môi trường... 

Kiểm điểm tập thể, cá nhân giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp 

Tại Công văn số 1321/UBND-KTTH ngày 09/5, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2022 thấp dưới 50% nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2022; không để xảy ra tình trạng tương tự trong các năm tiếp theo; Xử lý trách nhiệm các đơn vị, nhà thầu vi phạm tiến độ thi công, chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công trình, dự án do đơn vị mình làm chủ đầu tư theo quy định; Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 còn lại ngay sau khi được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 theo quy định. 

Đối với kế hoạch vốn đầu tư năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương và các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm; chủ động xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm công tác nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư... nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 được cấp thẩm quyền giao. Không để xảy ra các trường hợp giải ngân chậm tương tự như năm 2022. 

Ban hành Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh 

Tại Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND ngày 09/5, UBND tỉnh ban hành Quy định một số nội dung về quản lý chất thải rắn xây dựng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh. 

Theo quy định, các loại chất thải rắn xây dựng có khả năng tái chế được; chất thải có thể tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các nơi khác; chất thải không tái chế, tái sử dụng được và phải đem chôn lấp; chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác được phân loại riêng và quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại... phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh. 

Các loại chất thải rắn xây dựng được tái chế, tái sử dụng theo các mục đích: Đất hữu cơ, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp; Chất thải dạng bê tông và gạch vụn chủ yếu được tái chế thành cốt liệu thô, có thể sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền; Chất thải như gỗ, giấy chủ yếu được tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ và nhiên liệu đốt; Chất thải là vật liệu hỗn hợp nhựa đường, có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu); phế liệu là thép và các vật liệu kim loại khác, có thể trực tiếp tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho ngành luyện kim. Các loại chất thải rắn xây dựng khác, tùy theo tính chất và đặc điểm (thành phần), được tái sử dụng, tái chế theo mục đích sử dụng phù hợp... 

Giải quyết dứt điểm tình trạng giải quyết TTHC quá hạn 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính, tại Công văn số 1338/UBND-TTHCC ngày 11/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Đăk Tô, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Đăk Hà chỉ đạo rà soát kết quả giải quyết hồ sơ TTHC quá hạn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết TTHC quá hạn làm ảnh hưởng chung đến kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; Chỉ đạo thực hiện đảm bảo 100% hồ sơ TTHC quá hạn phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. 

Giao Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết TTHC của các đơn vị, địa phương; kiểm tra công tác giải quyết TTHC năm 2023 đối với các đơn vị có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt thấp; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn đạt thấp để kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý những vướng mắc có liên quan. 

Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, tính từ 15/12/2022 đến 30/4/2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC quá hạn của cấp huyện còn rất cao (tỷ lệ chung của cấp huyện chỉ đạt 86,56% hồ sơ giải quyết đúng hạn, trong đó có 5 huyện dưới 90%, gồm: Đăk Tô đạt 56,96%, Đăk Glei đạt 70,10%, Ngọc Hồi đạt 70,56%, Sa Thầy đạt 76,47% và huyện Đăk Hà đạt 89,84%).

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các doanh nghiệp thuộc tỉnh 

Tại Công văn số 1334/UBND-KTTH ngày 11/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Công ty TNHH MTV thuộc tỉnh quản lý tiếp tục thực hiện việc quản lý vốn, tài sản... theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguồn vốn được bảo toàn, sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ của Công ty. Trường hợp phát sinh việc sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp vào mục đích liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh với các tổ chức, cá nhân khác phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh theo quy định. 

Có trách nhiệm tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc khai thác, kinh doanh, sản phẩm phụ phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Nếu để xảy ra sai phạm, Chủ tịch, Giám đốc các Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quna liên quan triển khai thực hiện việc sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp vào mục đích liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh với các đơn vị khác theo đúng quy định; Có biện pháp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị; trường hợp phát hiện sai phạm phải kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý... 

Phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030” 

Tại Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 12/5, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030” với mục tiêu tổng quát: Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Kon Tum có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trung bình của cả nước. 

Đối với các mục tiêu cụ thể: (1) Về công nghiệp, đảm bảo cung cấp dịch vụ, kết cấu hạ tầng phù hợp cho phát triển các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao; hình thành các Khu, Cụm công nghiệp chất lượng cao để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phát triển các ngành nghề mới giúp tạo ra sản phẩm chủ lực cho phát triển công nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 14 - 15%/năm; (2) Về thương mại, phát triển các loại hình thương mại và dịch vụ tiện ích, hiện đại, chất lượng cao; nâng cao chất lượng hoạt động thương mại và dịch vụ. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 11 - 12%/năm; (3) Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10 - 11%/năm và kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 4 - 5%/năm. 

Kinh phí thực hiện Chương trình được sử dụng từ các nguồn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn tài trợ, viện trợ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. 

Tăng cường công tác truyền thông chính sách 

Tại Công văn số 1357/UBND-KGVX ngày 12/5, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023, cụ thể: Tổ chức thực hiện tốt các quy định về công khai thông tin; chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. 

Quan tâm bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách của sở, ngành, địa phương và sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. 

Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông chính sách; bố trí đội ngũ nhân lực làm truyền thông chính sách có năng lực đảm bảo đóng góp hiệu quả quá trình xây dựng và thực thi chính sách. 

Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách; đặt hàng các cơ quan báo chí, truyền thông làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. 

UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành; rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số; Sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông chính sách; Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội... 

Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Ngọc Hồi và TP. Kon Tum 

Tại Quyết định số 204/QĐ-UBND ngày 11/5, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Ngọc Hồi, cụ thể: (1) Diện tích các loại đất phân bổ trong năm kế hoạch là 83.936,25 ha (trong đó: Đất nông nghiệp 77.334,93 ha; đất phi nông nghiệp 5.261,18 ha; đất chưa sử dụng 1.340,14 ha); (2) Kế hoạch thu hồi các loại đất là 617,27 ha (trong đó: Đất nông nghiệp 541,68 ha; đất phi nông nghiệp 75,59 ha); (3) Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất là 524,23 ha (trong đó: Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp 523,76 ha; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở 0,47 ha); (4) Kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng (đất phi nông nghiệp) là 23,19 ha. 

Tại Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 12/5, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của thành phố Kon Tum với các chỉ tiêu chủ yếu: (1) Diện tích các loại đất phân bổ trong năm kế hoạch là 43.601,18 ha (trong đó: Đất nông nghiệp 30.345,54 ha; đất phi nông nghiệp 13.069,83 ha; đất chưa sử dụng 185,81 ha); (2) Kế hoạch thu hồi các loại đất là 1.491,35 ha (trong đó: Đất nông nghiệp 1.290,28 ha; đất phi nông nghiệp 200,41 ha; đất chưa sử dụng 0,66 ha); (3) Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất là 2.117,57 ha (trong đó: Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp 2.073,34 ha; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở 44,23 ha); (4) Kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng là 17,38 ha (trong đó: Đất nông nghiệp 1,75 ha; đất phi nông nghiệp 15,63 ha).

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:273