Những Giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu mía đường niên vụ 2023 - 2024
12-6-2023

Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 19/4/2023), ngành Nông nghiệp - PTNT, các địa phương của tỉnh và Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đang tích cực rà soát, đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu mía đường với mục tiêu đạt 2.000 ha trở lên trong niên vụ 2023 - 2024.. 

Những năm qua, các cơ quan, địa phương liên quan và Công ty cổ phần Đường Kon Tum đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, hỗ trợ thu mua, đầu tư công nghệ chế biến mía đường; qua đó đã góp phần nâng cao đời sống của người dân tham gia trồng mía, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Tuy nhiên, việc phát triển mía đường trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn: Vùng nguyên liệu chưa đảm bảo cho Nhà máy đường hoạt động theo công suất thiết kế, diện tích trồng mía còn nhỏ lẻ, dự án xây dựng khu trồng mía ứng dụng công nghệ cao chưa được hình thành, việc ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế, việc phát triển và nhân rộng các hợp tác xã để liên kết trồng, tiêu thụ mía chưa nhiều...

Theo thống kê, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.233 ha, chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Kon Tum (963 ha), huyện Sa Thầy (145 ha), huyện Kon Rẫy (48 ha), huyện Đăk Tô (38 ha), huyện Đăk Hà (28 ha) và một số địa phương khác với diện tích không lớn. Niên vụ 2022 - 2023, tổng diện tích mía thu hoạch trên địa bàn khoảng 732 ha với sản lượng mía khoảng 53.841 tấn, năng suất bình quân 73,48 tấn/ha. 

Những năm qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các giải pháp phát triển ngành Mía đường trong tình hình mới theo Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ; và mới đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đến hết quý II năm 2023 cũng đã xác định nhiệm vụ "Rà soát, giới thiệu cho Công ty Cổ phần Đường Kon Tum liên kết, đầu tư, phát triển vùng trồng mía với diện tích khoảng 2.000 ha". 

Triển khai các chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp - PTNT của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đã tích cực rà soát, tham mưu đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu mía đường trên địa bàn tỉnh. 

Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thành phố đã thống nhất phấn đấu phát triển diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.130 ha (diện tích trồng mới 897 ha), tập trung trên địa bàn các huyện Kon Plông, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum. 

Cũng với đó, các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước và của doanh nghiệp trong đầu tư, hỗ trợ liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía; Đánh giá các mô hình liên kết sản xuất mía có hiệu quả cao làm cơ sở nhân ra diện rộng; Vận động, tuyên truyền các tổ chức, hộ gia đình tiếp tục duy trì diện tích mía hiện có, mở rộng diện tích ở những nơi phù hợp đảm bảo vùng nguyên liệu tập trung; Chủ động rà soát diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn, nhất là diện tích của các tổ chức đã được giao thực hiện các dự án nhưng chưa triển khai hoặc thực hiện không hiệu quả để giới thiệu cho Công ty Cổ phần Đường Kon Tum làm việc với các đơn vị để thống nhất phương án liên doanh, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu mía phục vụ cho Nhà máy; Phối hợp với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum phổ biến, công khai minh bạch chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía, tạo đồng thuận và lòng tin cho người dân tham gia liên kết trồng mía... 

Về phía Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, đơn vị đã ký kết hợp đồng liên kết hơn 750 hộ dân và 2 hợp tác xã sản xuất mía trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích hơn 1.100 ha. Đồng thời dự kiến triển khai nhiều giải pháp về hỗ trợ vốn, thu mua, vận chuyển, xử lý rủi ro khi thiên tai xảy ra... nhằm phát triển vùng nguyên liệu mía trong niên vụ 2023-2024, như: 

Thực hiện hỗ trợ vốn không hoàn lại 100% tiền làm đất đối với các hộ nông dân có diện tích đất trồng mới, trồng lại; hỗ trợ bã bùn tươi để cải tạo đất đối với những diện tích mía ký hợp đồng với Công ty; hướng dẫn toàn bộ quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc và thu hoạch; đồng thời, công ty sử dụng các giống mía mới (KK3, KK4, CYZ08 - 1609, NSUT10 - 266) có năng suất, chất lượng, kháng bệnh để Nhân dân sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người trồng mía. 

Bên cạnh đó, công ty thực hiện giải pháp hỗ trợ vốn có thu hồi, như: Đầu tư mía giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các tổ chức cá nhân tham gia trồng mía theo từng thời điểm; đầu tư hệ thống tưới nước; đầu tư cơ giới hóa cho các hộ trồng mía các hạng mục sau khi các hộ nông dân có nhu cầu. 

Đối với việc thu mua, vận chuyển, công ty đảm bảo phương tiện vận chuyển và chịu chi phí vận chuyển mía nguyên liệu từ ruộng về nhà máy cho nông dân; bảo hiểm giá mua mía tại ruộng cho 03 niên vụ 2023 - 2024, 2024 - 2025, 2025 - 2026 với số tiền 850.000 đồng/tấn mía sạch 10CCS tại ruộng trên phương tiện vận chuyển và sẵn sàng mua theo giá thị trường khi giá mía trên thị trường trong khu vực cao hơn giá mía bảo hiểm. 

Để hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, công ty hỗ trợ phát triển diện tích mía trồng mới cho cấp xã 30.000 đồng/ha trồng mới; hỗ trợ phát triển diện tích mía trồng mới cho cấp huyện 20.000 đồng/ha trồng mới; hỗ trợ phát triển diện tích mía trồng mới cho cộng tác viên, người có uy tín ở các thôn, làng 50.000 đồng/ha trồng mới. 

Khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, công ty cùng các hộ trồng mía và chính quyền địa phương xác định diện tích mía bị thiệt hại do thiên tai gây ra (mía chết do thiên tai nắng hạn, lũ lụt, dịch bệnh gây thiệt hại mất trắng diện tích) để có chính sách xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho hộ trồng mía. Ngoài ra, Công ty chủ động làm việc với các địa phương, tổ chức buổi gặp mặt để phổ biến các chính sách thu hút trồng mía của Công ty cho các tổ chức, cá nhân và người dân tham gia trồng mía biết tham gia... 

Mới đây, tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum về tình hình sản xuất, kinh doanh và tìm giải pháp phát triển mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đã yêu cầu trong năm 2023, mỗi địa phương có diện tích trồng mía phải tổ chức hình thành thêm được ít nhất 2 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác tham gia liên kết trồng mía với Công ty; xây dựng ít nhất 2 mô hình liên kết trồng mía ứng dụng công nghệ cao tại các vùng đất đồi phù hợp để người dân biết, nghiên cứu áp dụng triển khai và nhân rộng; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn theo quy định để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, giống, vật tư cho người chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất mía... 

Với những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực vào cuộc của các ngành, địa phương và Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, mong rằng việc phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả./.

 

Diệu Linh - Ipckontum  
Số lượt xem:140