Quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022 |
23-6-2023 |
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong Quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Ước tính 4 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,95 triệu tấn với trị giá 1,55 tỷ USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 54,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Về thị trường xuất khẩu, Châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong Quý I năm 2023, đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2022. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các thị trường khu vực Đông Nam Á (Prilippines tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022; Indonesia tăng gấp 180 lần; Singapore tăng 30,7%) mà còn từ các thị trường khu vực Đông Á (Trung Quốc tăng gần gấp 2 lần; Đài Loan tăng gấp 3 lần). Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt hơn 157 nghìn tấn, chiếm 8,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022. Châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32 nghìn tấn, tăng trưởng tốt gần 11% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt là khu vực EU (ưa chuộng các dòng gạo thơm -ST, chất lượng cao) vẫn tiếp tục có tăng trưởng mạnh mẽ như: Hà Lan (đạt 4,6 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022); Ba Lan (đạt 1,5 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần); Bỉ (đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 58,5%). Các thị trường truyền thống vẫn có kết quả xuất khẩu đạt tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Thị trường Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 48,3% tổng lượng xuất khẩu và 45,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước trong Quý I năm 2023 (tương đương lượng xuất khẩu đạt 893,2 nghìn tấn với trị giá 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và tăng 44,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022). Thị trường Trung Quốc đứng thứ 2, chiếm trên 9,6% trong tổng lượng, và 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam (tương đương 340,3 nghìn tấn với trị giá 199 triệu USD) tăng 90,7% về lượng và tăng 118,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022). Thị trường Indonesia đứng thứ 3, chiếm 8% trong tổng lượng và chiếm 7,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 148,5 nghìn tấn với trị giá 69,7 triệu USD) tăng gần 180 lần về lượng và hơn 177 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng 3 năm 2022, Indonesia ghi nhận lượng nhập khẩu khiêm tốn (5.000 tấn) do đã hoàn thành chỉ tiêu nhập khẩu 500.000 tấn từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 02 năm 2023 (ượng này chưa bao gồm trong 2 triệu tấn dự kiến nhập khẩu mới công bố). Về chủng loại xuất khẩu, gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 53,7% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 996,5 nghìn tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 27,6% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 512,2 nghìn tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 158,7 nghìn tấn); tiếp đến là chủng loại gạo tấm, chiếm 6,9% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 127,8 nghìn tấn). Chủng loại gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng chiếm khoảng 0,2% (tương đương 5,1 nghìn tấn). Về giá gạo xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2023 dao động khoảng 483-487 USD/tấn, tăng khoảng 35 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng từ 5-10 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 553-557 USD/tấn. tăng khoảng 10 USD so với tháng trước. Có thể nói, mặc dù hoạt động thương mại gạo trong Quý I năm 2023 chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang,.. nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việ: Nam trong Quý I năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể: Công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả. Chủng loại gạo thơm ngày càng gia tăng trị giá trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng với tỷ trọng còn khiêm tốn nhưng làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam, khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong Quý I năm 2023 duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm trong tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Xuất khẩu gạo không chỉ tăng trưởng tốt ở các thị trường truyền thống (như: Philippines tăng 44,8%, tương đương 221,8 nghìn tấn; Trung Quốc tăng 118,8%, tương đương 162,9 nghìn tấn) mà còn ở các thị trường tiềm năng (như: Chile tăng gấp 25 lần, tương đương 4,6 nghìn tấn; Singapore tăng gần 30%, tương tương 6,4 nghìn tấn). Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam./.
|
Diễm Hằng - Ipckontum |
Số lượt xem:226 |