Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 03 - 07/7/2023 |
10-7-2023 |
Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh về công tác này. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp các địa phương triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đảm bảo xuyên suốt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành phố và phường, xã, thị trấn.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát huy vai trò của người dân, cộng đồng trong việc giám sát an toàn thực phẩm; Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp phường, xã, thị trấn và triển khai thực hiện về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp. Thống kê, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết và quản lý có hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp...
Chỉ đạo triển khai Quyết định công bố hiện trạng năm 2022
Triển khai Quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp - PTNT, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý theo quy định.
Yêu cầu các địa phương tổ chức sử dụng số liệu hiện trạng rừng đã công bố để cập nhật diễn biến rừng các năm tiếp theo. Đối với các địa phương, chủ rừng có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2022, tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
Chỉ đạo thực hiện việc theo dõi diễn biến rừng, cập nhật, xác định thông tin biến động về diện tích rừng (tăng, giảm diện tích rừng); quyết định công bố hiện trạng rừng trên địa bàn quản lý trước ngày 31 tháng 01 hằng năm; trường hợp chậm trễ do các nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến tiến độ cập nhật hiện trạng rừng của tỉnh thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
Theo Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL ngày 14/6/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, tỉnh Kon Tum có tổng diện tích rừng là 624.660 (rừng tự nhiên 547.604 ha, rừng trồng 77.056 ha); tỷ lệ che phủ là 63,05%.
Bãi bỏ quy định mức trích, tỷ lệ phân chia kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tại Quyết định số 36/2023/QĐ-UBND ngày 03/7/2023, UBND tỉnh bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND ngày 11/12/2020 của UBND tỉnh Kon Tum về việc quy định mức trích, tỷ lệ phân chia kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/7/2023. Đối với những dự án, tiểu dự án thực hiện mức trích, tỷ lệ phân chia kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 8 Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tập trung triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, khu vực bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, các khu vực có nguy cơ mất an toàn; thông tin kịp thời, hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ.
Giao các cơ quan liên quan phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra và đề nghị các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi tuân thủ các quy định liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm bảo đảm an toàn công trình đập, an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân ở vùng hạ du đập; Rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu...
Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Tăng cường triển khai các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định; phù hợp với điều kiện, đặc điểm văn hóa, dân tộc, vùng, miền, địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và hoàn cảnh gia đình; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, phô trương, lãng phí.
UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các phong trào thi đua tại địa phương; rà soát chỉnh sửa, bổ sung việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cho phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, địa phương và quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo quy định.
Định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi
Tại Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 04/7, UBND tỉnh phê duyệt Danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trung hạn cấp tỉnh thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, gồm 9 Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm: (1) Dược liệu Đảng sâm; (2) Dược liệu ngắn ngày khác (Đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, khổ qua rừng, lạc tiên, sả, gừng, nghệ,…); (3) Sầu riêng; (4) Mắc ca; (5) Cà phê vối; (6) Cà phê chè; (7) Chuối; (8) Chanh dây; (9) Thuỷ sản nước ngọt.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Dân tộc, các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Danh mục sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 và Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11
Tại Quyết định số 356/QĐ-UBND ngày 04/7, UBND tỉnh phê duyệt Danh mục sách giáo khoa Lịch sử lớp 10, Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, gồm: 3 bộ sách Lịch sử lớp 10 (Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống, Cánh Diều); 2 bộ sách Giáo dục quốc phòng và an ninh lớp 11 (Kết nối tri thức và cuộc sống, Cánh Diều).
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.
Triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép. Trong đó: Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép; Thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép; Xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến trái pháp luật; Tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, chim yến trái pháp luật trên địa bàn.
Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến, chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và các chỉ đạo của UBND tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm; triển khai xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa phương. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quản lý nuôi chim yến, bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.
Chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, tăng cường triển khai công tác phòng, chống thiên tai, hạn hán; phòng, chống sạt lở đất, sạt lở bờ sông, quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; đồng thời có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.
Phối hợp với đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án trên địa bàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.
Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao ven sông, suối.
Tăng cường tổ chức triển khai hoạt động, nhiệm vụ trong công tác cấp nước phòng cháy, chữa cháy
Thực hiện yêu cầu của Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ trong công tác cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó tập trung: rà soát, kiểm tra các nội dung về quy hoạch cấp nước phòng cháy và chữa cháy trong quá trình lập, thẩm định, điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng; kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, thiết kế hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy trong quá trình thẩm định, thẩm duyệt, giám sát, nghiệm thu công trình tại đô thị và khu công nghiệp.
Giao các cơ quan liên quan rà soát việc xây dựng bể nước dự phòng tại khu vực không thể lắp đặt họng, trụ lấy nước phòng cháy và chữa cháy, không có hệ thống cấp nước tập trung; thiết kế, lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy ngầm đối với phố, ngõ, hẻm không bố trí được họng, trụ nước chữa cháy nổi. Triển khai việc tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng của các họng, trụ lấy nước; lập danh mục ao, hồ, sông, suối, bến bãi lấy nước chữa cháy tại các khu đô thị, khu công nghiệp, đặc biệt là các cụm công nghiệp nhỏ lẻ, làng nghề hoặc khu dân cư cũ; lập phương án, kế hoạch đầu tư hệ thống cấp nước phòng cháy và chữa cháy./.
|
Ngọc Tú-ipckontum |
Số lượt xem:334 |