Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 21 - 25/8/2023
27-8-2023

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 21 - 25/8/2023

Chỉ đạo triển khai bình ổn thị trường thóc gạo; Quy định định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN; Quy định thực hiện mô hình điển hình tiên tiến trong cộng đồng người DTTS; Giao bổ sung chỉ tiêu trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024; Ban hành đơn giá dịch vụ công đào tạo nghề có trình độ sơ cấp; Chỉ đạo bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh; Chỉ đạo triển khai tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải; Ban hành Chương trình hành động triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng; Ban hành Quy chế quản lý sản phẩm OCOP... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 21 - 25/8/2023. 

Bình ổn thị trường thóc gạo 

Thực hiện ý kiến của Bộ Công Thương, tại Công văn số 2714/UBND-KTTH ngày 21/8, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn. 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, cửa hàng, đại lý gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu (nếu có), nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong tỉnh, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong tỉnh tăng bất hợp lý. 

Định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN 

Tại Quyết định số 43/2023/QĐ-UBND ngày 21/8, UBND tỉnh ban hành Quy định định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp tỉnh, cấp cơ sở có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, định mức được quy định tại Quyết định định mức tối đa, áp dụng đối với nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, cấp cơ sở có sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh; Các định mức chi khác làm căn cứ lập dự toán của nhiệm vụ KHCN không quy định cụ thể tại Quy định này được thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước. 

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 31/8/2023 và thay thế Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 03/6/2022 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, cấp cơ sở có sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh. 

Quy định thực hiện mô hình điển hình tiên tiến trong cộng đồng người DTTS 

Tại Quyết định số 44/2023/QĐ-UBND ngày 21/8, UBND tỉnh ban hành Quy định số lượng, quy mô, cách thức tổ chức thực hiện mô hình điển hình tiên tiến là các Già làng, Trưởng thôn, Người có uy tín, cán bộ cốt cán; nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2023. 

Theo đó, hằng năm, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, mỗi huyện, thành phố lựa chọn, đăng ký xây dựng 02 mô hình điển hình tiên tiến; mỗi mô hình gồm 10 điển hình tiên tiến trên một số lĩnh vực (Gồm: Điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất kinh doanh; Điển hình tiên tiến trong công tác, học tập; Điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, vận động, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; Điển hình tiến tiến trong việc giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS; Điển hình tiên tiến trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá các DTTS), đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả. 

Về cách thức xây dựng mô hình, khảo sát trực tiếp, thông qua phong trào thi đua, truyền thông, báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin, tuyên truyền trong công tác, lao động, sản xuất để lựa chọn những gương điển hình tiên tiến là Già làng, Trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ cốt cán, nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người DTTS phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng mô hình...

Các gương điển hình tiên tiến phải ứng các tiêu chí chung, như: Là những cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh; có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập, công tác, lao động sản xuất, kinh doanh; là nhân tố nổi trội, có sức lan tỏa, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, tác động tích cực đến cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội. Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đoàn kết, có tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động xã hội do cơ quan, đơn vị, địa phương phát động... Ngoài ra, từng mô hình, có các tiêu chí cụ thể khác. 

Giao bổ sung chỉ tiêu trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024 

Tại Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 22/8, UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024 cho UBND các huyện, thành phố, cụ thể: Thành phố Kon Tum giao bổ sung mới là 121ha (tổng diện tích được giao 958ha); huyện Kon Rẫy giao bổ sung mới là 7ha (tổng diện tích được giao 150ha); huyện Kon Plông giao bổ sung mới là 15ha (tổng diện tích được giao 220ha); huyện Sa Thầy giao bổ sung mới là 6ha (tổng diện tích được giao 304ha). Như vậy, tổng diện tích trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024 toàn tỉnh là 2.000 ha (đã giao năm 2022 là 954ha, giao thêm trong năm 2023 là 897 và giao mới là 149ha). 

UBND tỉnh giao các địa phương liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng mới mía đường niên vụ 2023 - 2024 theo đúng quy định hiện hành; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo các chỉ tiêu, hướng dẫn, cụ thể hoá các chỉ tiêu kế hoạch được UBND tỉnh giao tại quyết định. 

Ban hành đơn giá dịch vụ công đào tạo nghề có trình độ sơ cấp 

Tại Quyết định số 45/2023/QĐ-UBND ngày 22/8, UBND tỉnh ban hành đơn giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước cho 20 nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng trên địa bàn tỉnh. 

Theo Quyết định, đơn giá đào tạo có mức cao nhất là 3.680.000 đồng (đối với nghề Cốt thép - Hàn) và đơn giá đào tạo có mức thấp nhất là 1.330.000 đồng (đối với nghề Lâm sinh - Trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh). 

Quyết định áp dụng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới ba tháng; người được đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng trên địa bàn tỉnh; Các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; các cơ quan tham mưu, giúp quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 

Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường, tại Công văn số 2736/UBND-HTKT ngày 23/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 750/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự, ATGT của UBND tỉnh. Trong thời gian nghỉ Lễ Quốc khánh, báo cáo tình hình trật tự, ATGT về Ban An toàn giao thông tỉnh vào lúc 13 giờ hàng ngày. 

Yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, ATGT; tăng cường lực lượng điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng tăng cao trong dịp nghỉ Lễ và thời gian học sinh, sinh viên đến trường; Tuyên truyền và hướng dẫn học sinh các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các xe ô tô đưa đón học sinh; kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự, ATGT tại khu vực trường học theo thẩm quyền. 

Chỉnh trang, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm thu hút khách du lịch; rà soát các địa điểm khu vực có nguy cơ sạt lở cao và tăng cường cảnh báo nếu cần thiết; tăng cường quản lý hoạt động vận tải ngay từ đầu bến, bãi; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thể lệ vận tải như lệnh xuất bến, đậu đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, thu quá giá vé niêm yết; kiểm tra công tác đảm bảo ATGT và bảo vệ môi trường khi thi công trên đường đang khai thác... 

Triển khai tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải 

Thực hiện ý kiến của Bộ Công an về việc phối hợp chỉ đạo tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container, tại Công văn số 2757/UBND-HTKT ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tập trung tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. 

Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các cơ quan liên và các địa phương rà soát, kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện tại các cơ sở kinh doanh vận tải; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách tại các điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc”... Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ký cam kết thực hiện đúng các quy định về ATGT; đề cao trách nhiệm, không vì lợi ích kinh doanh mà gây hậu quả xấu cho xã hội; không đưa phương tiện chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng vào hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa… 

Đồng thời, kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; đánh giá, khảo sát xác định các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông, những vị trí, khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự ATGT. 

Chương trình hành động triển khai kết quả giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng 

Tại Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 24/8, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. 

Chương trình nhằm mục đích cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, như: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; (2) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác quản lý bảo vệ rừng; (3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng; (4) Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh... 

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Chương trình hành động theo quy định. 

Ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh 

Tại Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 25/8, UBND tỉnh ban hành Quy chế quy định việc quản lý sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao trở lên, còn thời hạn theo quy định thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thực hiện trên địa bàn tỉnh. 

Nội dung của Quy chế quy định cụ thể công tác: (1) Quản lý chất lượng sản phẩm (Xây dựng và công bố quy trình sản xuất; Quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất; Kiểm soát quá trình sản xuất; Quản lý chất lượng sản phẩm; Thực hiện truy xuất nguồn gốc); (2) Quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP Việt Nam (Nhãn hiệu chứng nhận OCOP và điều kiện sử dụng; Quy định sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Quản lý việc sử dụng nhãn hiệu OCOP); (3) Thu hồi chứng nhận và xử lý vi phạm... 

Quy chế áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh (Chủ thể OCOP); cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia Chương trình OCOP tỉnh. Những nội dung không quy định trong quy chế, áp dụng theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

 

Ngọc Tú-ipckontum  
Số lượt xem:124