Đầu tư công nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum |
22-8-2023 |
Đầu tư công nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kon Tum UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh kiểm tra thực tế để nắm bắt tình hình giải ngân và giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được Trung ương giao cho tỉnh Kon Tum là 3.587 tỷ đồng (ngân sách địa phương 1.086 tỷ đồng và ngân sách trung ương là 2.501 tỷ đồng). Trên cơ sở nguồn vốn Trung ương giao, qua rà soát tình hình thực tế các nguồn thu của địa phương, tỉnh đã thực hiện giao kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 4.818 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách địa phương là 2.317 tỷ đồng và nguồn ngân sách trung ương là 2.501 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/7, tổng kế hoạch vốn năm 2023 đã giải ngân 860.536 triệu đồng, đạt 24% tổng kế hoạch Trung ương đã giao. Trong quá trình thực hiện, một số chủ đầu tư đã giải ngân kế hoạch đạt kết quả tốt như các huyện Sa Thầy, Đăk Glei, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Huyện Đăk Glei được giao tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 42.096 triệu đồng để thực hiện 28 công trình (13 công trình chuyển tiếp, 15 công trình khởi công mới. Đến nay, đã giải ngân 8.990 triệu đồng đạt 21% kế hoạch vốn năm 2023, đạt 37% kế hoạch vốn thực giao. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân về cơ chế chính sách đó là quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo sự chủ động cho địa phương, làm mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện dự án. Cùng với đó là một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và còn chậm được sửa đổi. Nhiều dự án triển khai trên địa bàn tỉnh còn chậm giải ngân là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, có các dự án trọng điểm vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư; việc xây dựng giá đất cụ thể bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, quy trình thủ tục trình phê duyệt phương án bồi thường. Một số chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Năng lực của chủ đầu tư còn yếu, triển khai thực hiện chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế. Phấn đấu thực hiện giải ngân cao nhất kế hoạch năm 2023, từ các nguyên nhân tồn tại đã được nhận diện, tỉnh đã tập trung rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ các dự án, nhiệm vụ không có khả năng giải ngân sang các dự án giải ngân tốt hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công.
|
Thanh Huyền-IpcKonTum |
Số lượt xem:385 |