Những kết quả bước đầu sau hơn 2 năm triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum
1-10-2023

Những kết quả bước đầu sau hơn 2 năm triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ngay sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, trong đó sớm hoàn thành công tác kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo, bộ phận giúp việc các cấp, cơ bản đảm bảo cho công tác điều hành và tổ chức thực hiện. 

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời trên 100 văn bản quản lý, điều hành với nhiều Nghị quyết, Quyết định quy phạm pháp luật; hiện đang xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định danh mục dự án đầu tư công, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công trung hạn và hằng năm trong giai đoạn 5 năm của các chương trình MTQG theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ.

Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân kế hoạch vốn: Tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả vốn trung hạn được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023) và dự toán ngân sách Trung ương các năm 2022, 2023.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài đạt khoảng 180 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đạt khoảng 250 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch. Trong 2 năm 2022-2023, ngân sách địa phương đã bố trí đối ứng, lồng ghép khoảng 465 tỷ đồng thực hiện các chương trình, đã thực hiện giải ngân khoảng 70% kế hoạch vốn.

Với sự nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đến nay toàn tỉnh có 42/85 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tỷ lệ giảm hộ nghèo năm 2022 đạt 4,46%. Ước đến hết năm 2023 có 05 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở ước đạt 98,55%, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất ước đạt 98,45%.

Triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023, tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị chuyên đề xử lý, tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình. Ngoài ra, chỉ đạo khẩn trương phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ, 06 Thông tư, 04 văn bản do các bộ, ngành Trung ương mới ban hành. 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023 được giao để thực hiện các chương trình MTQG theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, một số giải pháp trọng tâm được xác định là tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan đơn vị cấp tỉnh và các địa phương; tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nắm bắt, xử lý khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về các chương trình MTQG gắn với thực hiện có hiệu quả 02 cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiếu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”,“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và 02 phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG. 

Rà soát, cân đối bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện các chương trình. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải. Chủ động xây dựng kế hoạch, hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn hàng năm ngay sau khi được Trung ương giao dự toán, kế hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt công tác kế hoạch, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự toán chi tiết thực hiện các chương trình theo quy định, đảm bảo sử dụng vốn ngân sách nhà nước hiệu quả, tập trung. 

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý. Triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện, triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các chương trình năm 2023./.

 

 

Công Dinh - ipc Kon Tum  
Số lượt xem:114