Công tác kiểm soát Thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử quý III có nhiều chuyển biến tích cực
20-10-2023

Kết quả công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử quý III

Trong Quý III/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và cụ thể đối với công tác cải cách, kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong công tác này; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 2 triệu tài khoản đăng ký, trên 31 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 6,14 triệu giao dịch thanh toán với số tiền hơn 1,633 nghìn tỷ đồng. 

Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động đối với 402 TTHC được quy định tại 44 dự thảo VBQPPL, trong đó, 124 TTHC quy định mới, 251 TTHC được sửa đổi, bổ sung, 24 TTHC được bãi bỏ, nâng tổng số TTHC được đánh giá tác động trong 3 quý đầu năm 2023 là 898 TTHC tại 121 dự thảo VBQPPL. Thực hiện thẩm định đối với 468 TTHC quy định tại 58 VBQPPL. Tính 3 quý đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thẩm định đối với 983 TTHC quy định tại 134 VBQPPL. 

Các bộ, ngành đã ban hành 53 quyết định công bố 586 TTHC tại 54 VBQPPL (trong đó: quy định mới 85 TTHC, sửa đổi, bổ sung 386 TTHC, bãi bỏ 115 TTHC), đã cập nhật, công khai 458 TTHC; các địa phương đã ban hành 1.266 quyết định công bố tổng số 10.561 TTHC và danh mục TTHC (trong đó: quy định mới 2.651 TTHC, sửa đổi, bổ sung 5.850 TTHC, bãi bỏ 2.060 TTHC), đã cập nhật, công khai 8.799 TTHC và danh mục TTHC. 

Theo nhóm chỉ số đánh giá về công khai, minh bạch trong Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn của các bộ, ngành chỉ đạt dưới 10% và công khai đúng hạn đạt 60,44% (tăng 0,64% so với Quý II/2023); tại các địa phương, tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn đạt 68,28% (tăng 5,35% so với Quý II/2023) và công khai đúng hạn đạt 47,89% (tăng 11,36% so với Quý II/2023). Một số địa phương thực hiện tốt công tác này, như: Bình Định, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Ninh Bình. 

Các bộ, ngành đã tiếp nhận 41.124.615 hồ sơ TTHC, trong đó, tiếp nhận trực tuyến 31.762.525 hồ sơ, chiếm 77,23%; đã xem xét, giải quyết: 39.522.221 hồ sơ, đạt 96,1%, trong đó, giải quyết trước và đúng hạn: 39.161.480 hồ sơ, chiếm 99,08%. Tại các địa phương, đã tiếp nhận tổng số 15.583.224 hồ sơ TTHC, trong đó tiếp nhận trực tuyến 5.714.822 hồ sơ, chiếm 36,67%; đã xem xét, giải quyết: 14.899.947 hồ sơ, đạt 95,61%, trong đó, giải quyết trước và đúng hạn: 14.798.355 hồ sơ, chiếm 99,32%.

Tuy nhiên, theo dữ liệu được đồng bộ trên Cổng DVCQG, tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý đúng hạn trong hạn tại bộ, ngành là 5,63% (giảm 0,6% so với Quý II/2023) và tại các địa phương là 76,83% (giảm 2,81% so với Quý II/2023). Một số địa phương thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC, như: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Điện Biên, Tiền Giang, Cao Bằng, Cần Thơ, Sơn La, Quảng Ngãi,... 

Cũng trong quý, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm quy định, TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả cụ thể, có 04 bộ đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định và ban hành 05 thông tư để cắt giảm, đơn giản hóa 128 quy định kinh doanh (QĐKD), nâng tổng số QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa trong 3 quý đầu năm 2023 là 338 QĐKD tại 28 VBQPPL. Tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.480 QĐKD tại 199 VBQPPL; Bộ Nội vụ đã có Báo cáo về việc thực hiện đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Dự án Luật Lưu trữ sửa đổi; còn 02 Bộ (Công Thương, Quốc phòng) chưa thực hiện rà soát, cắt giảm đơn giản hóa QĐKD thuộc phạm vi quản lý. 

Các bộ, ngành đã công bố 603 TTHC nội bộ và các địa phương công bố 2.296 TTHC nội bộ, nâng tổng số TTHC nội bộ được công bố trong 3 quý đầu năm 2023 thuộc phạm vi của 20/22 bộ, ngành là 1.355 TTHC và của 60/63 địa phương là 2.469 TTHC; Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 12 TTHC nội bộ; 04 địa phương (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kon Tum) đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 111 TTHC nội bộ. 

Về thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư: có 05 bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 07 văn bản để thực thi phương án đơn giản hóa 36 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tính đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa được 388 TTHC/1.086 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư (đạt 36%), trong đó, có 05 bộ, ngành hoàn thành thực thi phương án, 03 bộ đạt trên 50% và hiện còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thực thi phương án đơn giản hóa. 

Có 07 bộ đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 13 VBQPPL để phân cấp 70 TTHC, nâng tổng số TTHC được phân cấp trong 3 quý đầu năm 2023 là 106 TTHC tại 18 VBQPPL. Đến nay, các bộ, ngành đã sửa đổi 29 VBQPPL để thực thi phương án phân cấp 156/699 TTHC, đạt 22%, trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành, 10 bộ, cơ quan chưa thực thi phương án phân cấp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. 

Các bộ, ngành đã tiếp nhận tổng số 6.470 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về hành vi hành chính và quy định hành chính; đã xem xét, xử lý và trả lời 5.900 PAKN, bằng 91,19% (tăng 37,42% so với Quý II/2023). Các địa phương đã tiếp nhận tổng số 3.822 PAKN; đã xem xét, xử lý và trả lời 3.441 PAKN, bằng 90,03% (giảm 2,09% so với Quý II/2023). 

Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính nói chung và cải cách, kiểm soát TTHC nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Trong quý, đã có nhiều lượt tin, bài được đăng trên các báo, đài, truyền hình của Trung ương, của địa phương có sức lan tỏa lớn; đồng thời, phản ánh những bất cập về quy định, cũng như hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. 

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Bộ phận Một cửa (BPMC), tích cực triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại BPMC các cấp; rà soát, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích cực tái cấu trúc quy trình, cung cấp DVCTT, đẩy mạnh giao dịch thanh toán trực tuyến và chứng thực điện tử,.... Một số kết quả cụ thể như sau: 

Một số địa phương đã nghiên cứu, triển khai các mô hình mới trong tiếp nhận và trả kết quả giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của BPMC. Đến nay, trên cả nước đã thành lập tổng số 11.956 BPMC các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC (Tại bộ, cơ quan ngang bộ đã thành lập 867 BPMC; địa phương đã thành lập 11.089 BPMC). Trong đó, tại cấp tỉnh có 58/63 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; tại cấp huyện, có 754 BPMC; tại cấp xã, có 10.277 BPMC được thành lập tại Ủy ban nhân dân cấp xã. 

Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 81,88% (tăng 3,59% so với quý II/2023), tại các địa phương đạt 74,65% (tăng 3,35% so với quý II/2023); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 29,23% (tăng 9,37% so với quý II/2023), tại các địa phương đạt 47,17% (tăng 7,74% so với quý II/2023); tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành đạt 0%, tại các địa phương đạt 9,71% (tăng 0,71% so với quý II/2023). 

Tỷ lệ TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại các bộ, ngành đạt 55,64% (DVCTT một phần chiếm 39,68%, DVCTT toàn trình chiếm 15,96%), tại các địa phương đạt 70,38% (DVCTT một phần chiếm 10,7%, DVCTT toàn trình chiếm 59,68%). Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến tại các bộ, ngành đạt 39,62% (giảm 2,46% so với Quý II/2023), tại các địa phương đạt 46,18% (tăng 4,66% so với Quý II/2023); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến tại các bộ, ngành đạt 36,65% (giảm 19,21% so với Quý II/2023), tại các địa phương đạt 30,25% (tăng 9,98% so với Quý II/2023).

 

Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực tập trung triển khai kết nối các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, đã có 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; có 03 bộ (Nội vụ, Tư pháp, Giao thông vận tải) và 30 địa phương hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVCQG để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết TTHC; một số bộ, cơ quan đã triển khai kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu làm cơ sở đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công liên thông điện tử. 

Trong quý, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 2 triệu tài khoản đăng ký, trên 31 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 9,85 nghìn hồ sơ trực tuyến, trên 6,14 triệu giao dịch thanh toán với số tiền hơn 1,633 nghìn tỷ đồng. Đến nay, Cổng đã đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, trong đó đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp gần 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản, với 2,8 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ, trung bình mỗi ngày có 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng./.

 

 

Thế Đắc - Ipckontum  
Số lượt xem:258