Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy
26-10-2023

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy

Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 991/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân 

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý trật tự xây dựng đối với công trình xây dựng nói chung, trong đó có nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố, tại khu vực đô thị, các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế..., việc quản lý của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật, như: xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tự ý thiết kế nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ hoặc ngăn phòng nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng... dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình. Để kịp thời xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn sử dụng, bảo vệ tài sản, sức khỏe và tính mạng của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: 

Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nâng cao trách nhiệm, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở riêng lẻ xây dựng nhiều tầng, nhiều căn hộ; rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản trong quá trình khai thác, sử dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả để xem xét trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).  

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng: (i) Khẩn trương kiểm tra, rà soát, kịp thời đánh giá, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, cấp phép, quản lý, sử dụng, tên gọi đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho người sử dụng. (ii) Tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, tổ chức thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12 năm 2023. (iii) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp khắc phục ngay những tồn tại về PCCC đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; ban hành tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho các công trình, cơ sở hiện hữu khác, hoàn thành trong tháng 10 năm 2023. 

Bộ Công an tiếp tục rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trước mắt, kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có ngay các giải pháp, kỹ năng bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bảo đảm hạn chế cháy nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn, quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ. 

Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra phát hiện các công trình, cơ sở, hộ gia đình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện để hướng dẫn, khuyến cáo người dân bảo đảm an toàn tuyệt đối; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sử dụng điện. 

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao kiến thức, nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành pháp luật về quy hoạch, cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng và an toàn phòng chống cháy nổ đối với công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp xảy ra sự cố. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (i) Khẩn trương rà soát, đánh giá toàn bộ các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đã đưa vào sử dụng trên địa bàn để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm về chuyển đổi công năng nhà ở, vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời có biện pháp khả thi khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là về phòng cháy, chữa cháy như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm an toàn sức khỏe và tài sản cho người dân. Đối với các công trình xây dựng mới, các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, trật tự xây dựng theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép. (ii) Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy và chữa cháy về các nội dung liên quan đến quy hoạch chuẩn, xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ; tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC, đặc biệt là kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ. (iii) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tuyệt đối không để các vi phạm về trật tự xây dựng tồn tại, kéo dài, gây bức xúc cho dự luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và đời sống nhân dân. Kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của các cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. 

 Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, đề cuất các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, lâu dài với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong Quý IV năm 2023./.

 

 

Ngọc Tú-ipckontum  
Số lượt xem:148