Chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
4-1-2024

Chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh

Ngày 04/01/2024, Bộ Tài chính có Văn bản số 95/BTC-TCT gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Theo đó, để từng bước triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong công tác quản lý thuế đối với Hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế triển khai chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh (BĐSHKD) trên toàn quốc. Cụ thể như sau: 

Tổng cục Thuế đã có công văn số 3026/TCT-DNNCN ngày 20/7/2023 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó, việc triển khai chức năng BĐSHKD đã được thực hiện từ ngày 01/8/2023 tại 05 Cục Thuế (Hà Nội, Bình Định, Long An, Thanh Hóa, Hòa Bình) và sẽ tiếp tục triển khai với 58 Cục Thuế còn lại đối với việc công khai thông tin lập Bộ thuế khoán hộ kinh doanh của năm 2024.  

Tổng cục Thuế triển khai chức năng BĐSHKD để hỗ trợ thêm một hình thức hiển thị các thông tin phải công khai của hộ kinh doanh theo quy định. Cùng với các hình thức công khai đang áp dụng hiện hành thì với chức năng BĐSHKD sẽ hỗ trợ cơ quan Thuế các cấp từ Trung ương đến địa phương quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bản, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách, hỗ trợ công tác xây dựng dự toán. Chức năng BĐSHKD cũng hỗ trợ tốt hơn cho hộ kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác thực hiện việc phản hồi thông tin đến cơ quan thuế về công tác quản lý thuế hộ kinh doanh của cơ quan thuế địa phương, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế với sự giám sát của người dân và các cơ quan liên quan, đảm bảo bình đẳng giữa các hộ kinh doanh, giữa các địa phương trên phạm vi toàn quốc. 

Chức năng BĐSHKD là tập hợp các thông tin đã được mã hóa và lưu trữ dưới dạng số. Thông tin hiển thị trên chức năng BĐSHKD là các thông tin phải công khai đối với hộ kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều 18 và khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 và Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Chức năng BĐSHKD được triển khai trên ứng dụng eTax Mobile để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có thể tra cứu, phản hồi thông tin trên thiết bị thông minh cầm tay mọi lúc, mọi nơi. 

Chức năng BĐSHKD được cài đặt, quản lý và vận hành tập trung tại Tổng cục Thuế, các thông tin hiển thị trên chức năng BĐSHKD được cập nhật tự động, thường xuyên, liên tục từ thông tin do cơ quan thuế đã phê duyệt công khai trên webside của Cục Thuế theo Quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 2371/QĐ-TCT ngày 18/12/2015 của Tổng cục Thuế. 

Cơ quan thuế địa phương theo chức năng, nhiệm vụ sẽ thực hiện việc ra soát hiệu chỉnh lại thông tin hiển thị trên chức năng BĐSHKD (nếu có sai lệch); thực hiện khai thác và xử lý thông tin trên chức năng BĐSHKD (bao gồm cả thông tin quản lý của ngành thuế và thông tin phản hồi từ ngoài ngành Thuế) để phục vụ công tác quản lý thuế hộ kinh doanh theo quy định. 

Để việc triển khai BĐSHKD được thuận lợi, hiệu quả, Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí quan tâm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan (Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Công an, Thông tin truyền thông, ...) trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: 

Một là: Phối hợp với cơ quan thuế để đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đảm bảo đưa vào diện quản lý đầy đủ các hộ kinh doanh thực tế hoạt động trên địa bàn, tránh thất thu về đối tượng và doanh thu kinh doanh. Trong đó tập trung vào các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình quản lý, công khai, minh bạch thông tin quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên chức năng BĐSHKD. 

Hai là: Phối hợp với cơ quan thuế trong việc triển khai rà soát đối tượng tại địa bàn, tổ chức khảo sát doanh thu thực tế của hộ kinh doanh, chú trọng các ngành nghề trọng điểm của hộ kinh doanh tại địa bàn. Từ đó có cơ sở lập Bộ thuế khoán năm 2024 đối với hộ kinh doanh đảm bảo sát thực tế. 

Ba là: Tích cực triển khai rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế của chủ hộ kinh doanh để đảm bảo đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. 

Bốn là: Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, hộ kinh doanh (truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đăng kỷ thuế điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân) bao gồm cả việc tra cứu và phản hồi thông tin trên chức năng BĐSHKD của cơ quan thuế nhằm giúp cho người dân, hộ kinh doanh tham gia toàn diện vào lộ trình chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ./.

 

 

 

Thanh Thúy - ipckontum  
Số lượt xem:190