Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, Nghị quyết của Quốc hội |
4-3-2024 |
Việc thực hiện nhiệm vụ giao và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã có chuyển biến hơn so với cùng kỳ năm trước (nhiệm vụ quá hạn giảm 0,82%, đề án chậm trình giảm 25%). Về thực hiện nhiệm vụ được giao Trong tháng 02/2024, có 1.699 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương. Lũy kế từ 01/01/2023 đến 29/02/2024, có tổng số 20.717 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao. Trong đó, đã hoàn thành: 13.448 nhiệm vụ; 6.889 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn; 380 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, chiếm 1,83% - giảm 0,17% so với tháng trước trước. Có 180 nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành. Đến nay, có 112 nhiệm vụ hoàn thành đúng tiến độ; còn 68 nhiệm vụ cần tập trung đôn đốc và khẩn trương hoàn thành. Cũng trong 2 tháng đầu năm 2024, các bộ, cơ quan, địa phương phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 83 đề án. Đến nay, đã trình 51 đề án, còn 32 đề án quá hạn chưa trình4, chiếm 36,1% - giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (tháng 02/2023 có 30/49 đề án chưa trình, chiếm 61,1%). Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương trình các đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ, khắc phục tình trạng phát sinh nợ đọng mới. Một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể giao trong tháng 02 chưa hoàn thành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (1) Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gồm Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019); (3) Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới… Bộ Công Thương quá hạn báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (1) Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; (2) Phương án xử lý Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Bộ Tài chính chưa báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (1) Dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc; (2) Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh… Bộ Thông tin và Truyền thông quá hạn báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (1) Dự thảo Nghị định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn; (2) Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Bộ Giao thông vận tải chưa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quá hạn báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (1) Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; (2) Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Bộ Tư pháp đã quá hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Dự thảo báo cáo của Chính phủ về thực trạng và kiến nghị đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 62/TTg-PL ngày 15/01/2024. Bộ Khoa học và Công nghệ quá hạn trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban Dân tộc chưa trình Thủ tướng Chính phủ Đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023. Việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ Các bộ, cơ quan, địa phương cơ bản thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ; các công việc được giải quyết đúng thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc tham dự các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được tuân thủ theo quy định; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong việc xử lý công việc ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời hơn, từng bước khắc phục tình trạng chậm cho ý kiến; công tác báo cáo định kỳ hằng tháng của các bộ, cơ quan được duy trì thường xuyên, bảo đảm thông tin kịp thời, điển hình là các bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam,… Tuy nhiên, trong tháng 02, còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng QCLV, cụ thể có 102 trường hợp chậm báo cáo, chậm trình hồ sơ, chậm trả lời khi được lấy ý kiến; 17 trường hợp chưa bảo đảm đầy đủ hồ sơ, còn thiếu ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan liên quan6. Ngoài ra, có một số trường hợp chưa hoàn chỉnh về hồ sơ, kỹ thuật soạn thảo văn bản (thiếu ký tắt, không đúng thể thức văn bản...).
Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong thời gian qua các bộ, cơ quan đã nỗ lực, chủ động, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết. Nhiều văn bản quy định chi tiết được kịp thời ban hành, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, do một số văn bản có nội dung phức tạp, đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng, cần lấy ý kiến nhiều bộ, cơ quan liên quan hoặc phải xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền trước khi ban hành nên còn chậm được ban hành theo đúng tiến độ. Cụ thể: Đến nay, còn 12 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội đã có hiệu lực nhưng chưa được ban hành, gồm: Công an: 02; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 02; Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 02; Nội vụ: 01; Y tế: 01; Tài chính: 01; Công Thương: 01; Giáo dục và Đào tạo: 01; Lao động - Thương binh và Xã hội: 01. Ngoài ra, có 34 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn các Luật, Nghị quyết của Quốc hội phải xây dựng, trình và ban hành trong thời gian tới, đang được các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng, trình, gồm: Quốc phòng: 07; Thông tin và Truyền thông: 06; Tài chính: 04; Xây dựng: 06; Công an: 03; Công Thương: 03; Kế hoạch và Đầu tư: 02; Tài nguyên và Môi trường: 02; Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 01./.
|
Công Dinh - ipc Kon Tum |
Số lượt xem:118 |