Những công tác, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 04 - 08/3/2024 |
11-3-2024 |
Những công tác, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 04 - 08/3/2024 Tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, giống thủy sản; Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Triển khai nhiệm vụ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2024; Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Tăng cường triển khai thực hiện Đề án 06; Ủy quyền Sở Giao thông vận tải lựa chọn và quyết định phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công; Tăng cường công tác quản lý các vườn Sâm Ngọc Linh; Triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 04 - 08/3/2024. Tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, giống thủy sản Ngày 04/3, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý chất lượng giống vật nuôi, giống thủy sản theo quy định, cụ thể: Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh về giống vật nuôi, giống thủy sản; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc thực hiện đầy đủ các quy trình sản xuất, quản lý con giống vật nuôi, giống thủy sản bảo đảm chất lượng và sạch bệnh; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống vào địa bàn tỉnh, tạo vành đai an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản. Chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống vật nuôi, giống thủy sản; yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi, giống thủy sản phải thực hiện đúng và đủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, giống thủy sản, việc quản lý, chỉ tiêu chất lượng giống vật nuôi, giống thủy sản và thực hiện việc công bố chỉ tiêu chất lượng giống vật nuôi, giống thủy sản theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định, nhất là việc chấp hành pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, giống thủy sản trên địa bàn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng tổ chức, cá nhân trong việc quản lý giống vật nuôi, giống thủy sản trên địa bàn quản lý.Tổ chức cho các hộ kinh doanh giống vật nuôi, giống thủy sản thực hiện ký cam kết không mua bán, vận chuyển con giống mắc bệnh, con giống từ vùng có dịch, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch... Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm Tại Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 04/3, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật theo đúng quy định; Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, kiểm tra hoạt động giết mổ, thực hiện kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định pháp luật. Tránh tình trạng chủ quan, lơ là dẫn đến gây mất vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh động vật; Tổ chức thông tin, tuyên truyền vận động để Nhân dân, các chủ cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật biết, chấp hành tốt các quy định, chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung và các hoạt động liên quan giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; Tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, giết mổ động vật trên địa bàn; bố trí đầy đủ nhân viên thú y thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Cơ quan chuyên ngành về Thú y; Tăng cường kiểm tra các hoạt động giết mổ động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; bố trí, sắp xếp các địa điểm mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, trung tâm thương mại theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các điểm giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tự phát, trái quy định của pháp luật... Triển khai nhiệm vụ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2024 Tại Kế hoạch số 748/KH-UBND ngày 05/3, UBND tỉnh đề ra các chỉ tiêu cụ thể về sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và PTNT năm 2024, như: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành nông nghiệp đạt từ 6,4% trở lên; cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 18-19%; (2) Chỉ tiêu sản xuất trồng trọt: Diện tích lúa 22.540 ha, ngô 4.850 ha; sắn 38.247 ha, cà phê 30.549 ha, cao su 79.173 ha, mía 2.000 ha (trồng mới 800 ha), cây ăn quả 12.565 ha (trồng mới 2.000 ha), mắc ca 3.966ha (trồng mới 500 ha), Sâm Ngọc Linh 2.922 ha (trồng mới 500 ha), dược liệu khác 9.277 ha (trồng mới 1.560 ha); sản lượng lương thực 120.857 tấn, cà phê nhân 69.644 tấn, mủ cao su 97.889 tấn, sắn 608.903 tấn, mía 111.524 tấn (3) Tổng đàn trâu 25 ngàn con, đàn bò 100 ngàn con, đàn lợn 192.600 con; sản phẩm thịt hơi các loại 37.300 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 934 ha, tổng sản lượng thủy sản 8.279 tấn; (4) Trồng mới trên 3.000 ha rừng; tỷ lệ độ che phủ rừng 63,85%; (5) Phấn đấu có 53 xã đạt chuẩn NTM (có thêm 05 xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2024), có thêm 03 xã NTM nâng cao, có thêm 01 xã NTM kiểu mẫu; huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn huyện NTM; (6) Xây dựng thêm 01 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia; (7) Tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94%. Để triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt nghiêm túc và đầy đủ đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương nắm, hiểu và xác định rõ năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan chuyên môn, công chức, viên chức tổ chức thực hiện thật sự quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024 theo phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ kết quả và rõ trách nhiệm”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn, như: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản; xây dựng nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, thực hiện việc chuyển đổi đất lúa có năng suất, hiệu quả thấp sang cây trồng có thị trường tiêu thụ và hiệu quả cao hơn. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và PTNT năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm (CGC) Tại Công văn số 751/UBND-NNTN ngày 05/3, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh CGC, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định. Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút CGC, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành nông nghiệp và ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm. Nắm bắt tình hình phát triển chăn nuôi gia cầm tại địa phương, tập trung rà soát, thống kê số hộ chăn nuôi, quy mô và số lượng gia cầm đặc biệt tại các ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi gia cầm tập trung...; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm, đảm bảo tỷ lệ quy định. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm chủ động tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh CGC tại địa phương. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra, tại Công văn số 752/UBND-NNTN ngày 05/3, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan, các đơn vị chủ rừng và UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ,giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kì cao điểm về cháy rừng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; bố trí kinh phí của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 04 tại chỗ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay các hoạt động dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Yêu cầu các đơn vị chủ rừng, các chủ dự án được giao rừng, cho thuê rừng, các doanh nghiệp trồng cao su trên đất lâm nghiệp chủ động rà soát các phương án PCCCR đã xây dựng; chủ động xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở các khu vực có nguy cơ cháy cao; xác định cụ thể các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn quản lý để bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ cháy rừng; đồng thời tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực này; tổ chức trực ban, phân công lực lượng trực 24/24h trong suốt mùa khô cho đến khi có thông báo kết thúc mùa khô để kịp thời phát hiện điểm cháy khi mới phát sinh, huy động lực lượng khống chế và dập tắt không để xảy ra cháy lớn. Tăng cường triển khai thực hiện Đề án 06 Tại Công văn số 762/UBND-NC ngày 05/3 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc đề án 06 theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh thời gian qua. Yêu cầu trong năm 2024, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được giao đảm bảo tiến độ đề ra; định kỳ báo cáo kết quả về Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh để tổng hợp, báo cáo theo quy định. UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 đảm bảo tiến độ, chất lượng. Ủy quyền Sở Giao thông vận tải lựa chọn và quyết định phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công Ngày 06/3, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 112/QĐ-UBND ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải lựa chọn và quyết định phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các công trình đường bộ được UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên phù hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ và các quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời gian ủy quyền là 05 năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực (ngày 06/3/2024). Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền nêu trên theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Tăng cường công tác quản lý các vườn Sâm Ngọc Linh Xét báo cáo UBND huyện Tu Mơ Rông về tình hình mất Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện, tại Công văn số 783/UBND-NNTN ngày 07/3, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý các vườn Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo Công an huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung điều tra, xác minh, sớm có kết quả và đưa ra xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật; xác định đây là vụ việc xử lý điểm, việc xử lý vi phạm cần gắn với công tác tuyên truyền để nâng cao tính giáo dục và sức răn đe của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ UBND huyện Tu Mơ Rông trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý vụ việc nêu trên. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông căn cứ tình hình thực tế triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ các vườn Sâm Ngọc Linh trên địa bàn quản lý, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng trộm cắp cây Sâm Ngọc Linh của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng như đã xảy ra trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 Tại Công văn số 790/UBND-KGVX ngày 07/3, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2023 của tỉnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tụy, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững” trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; đưa nội dung thực hiện Chuyên đề năm 2023 vào Chương trình công tác năm 2024 của cơ quan, đơn vị, địa phương để chỉ đạo thực hiện. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024. Trong đó, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; lựa chọn từ 01 đến 02 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, nổi cộm, bức xúc để tập trung giải quyết; chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2023, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức đăng ký nội dung học tập, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tận tâm, tận tuỵ trong công việc, đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và chức trách, nhiệm vụ được giao. Đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần tận tâm, tận tụy, nổ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, dám nghỉ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đồng thời giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chống cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ. Gương mẫu về đạo đức lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nghiêm túc tự phê bình và phê bình...
|
Thanh Thúy - ipckontum |
Số lượt xem:221 |