Thực thi phương án phân cấp giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg |
19-3-2024 |
Thực thi phương án phân cấp giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg Ngày 14/3/2024, Bộ Tư pháp có Văn bản số 1299/BTP-CN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực thi phương án phân cấp giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg Tiếp theo Công văn số 6532/BTP-CN ngày 29/12/2023 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực thi phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ (Quyết định số 1015/QĐ-TTg), Bộ Tư pháp nhận được phản ánh của một số địa phương về thể thức và việc sử dụng con dấu đối với Quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Theo đó, tại biểu mẫu “Quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài” được ban hành theo Thông tư số 07/2023/TT-BTP ngày 29/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi, cơ quan có thẩm quyền ký Quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố. Trường hợp Sở Tư pháp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền giải quyết TTHC và ký Quyết định thì sẽ không phù hợp với biểu mẫu theo Thông tư số 07/2023/TT-BTP. Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đã nhận được quyết định về việc uỷ quyền giải quyết TTHC của một số địa phương, trong đó cho phép cơ quan được uỷ quyền - Sở Tư pháp được sử dụng con dấu của Sở trong khi thực hiện các nhiệm vụ uỷ quyền, đồng nghĩa với việc Sở Tư pháp được sử dụng con dấu khi ký Quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Về việc này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau: Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư, việc ký văn bản uỷ quyền được thực hiện như sau: “Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền”. Như vậy, khi thực hiện uỷ quyền từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về Sở Tư pháp để giải quyết 04 TTHC đã nêu tại Công văn số 6532/BTP-CN ngày 29/12/2023 của Bộ Tư pháp, văn bản cần theo thể thức và đóng dấu của cơ quan ủy quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh./.
|
Thế Đắc - Ipckontum |
Số lượt xem:146 |