Tình hình thị trường trong nước tháng 3 và quý I năm 2024
17-4-2024

Tình hình thị trường trong nước tháng 3 và quý I năm 2024

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 3 chủ yếu phục vụ cho các nhu cầu về sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Nguồn cung các hàng hóa thiết yếu đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá các mặt hàng tương đối ổn định, có biến động theo biến động của thị trường thế giới. 

Thị trường hàng hóa Quý I chủ yếu tập trung phục vụ nhu cầu hàng hóa dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán, mặc dù nhu cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao nhưng do nguồn cung đã được chuẩn bị khá tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và của các địa phương về công tác chuẩn bị Tết và triển khai Chương trình bình ổn thị trường nên thị trường hàng hóa không có biến động bất thường, giá hàng hóa tương đối bình ổn. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng biến động theo giá trên thị trường thế giới. 

Tình hình Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-20231. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ Quý I năm 2024 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 6,94%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2%; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,58%. 

 

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2024 đạt 509.325 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu do các nhóm du lịch, dịch vụ; nhóm bán lẻ hàng hóa chỉ tương đương tháng trước do các mặt hàng chủ lực như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng giảm sau đợt cao điểm mua sắm Tết vào đầu tháng 2. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1.537.649 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hầu hết các nhóm đều tăng và nhóm có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm và dịch vụ, riêng nhóm phương tiện đi lại giảm 9,1%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu tăng 5,1%. 

Tính chung quý I năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 30.215 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 68,9%. Sự sôi động của hoạt động du lịch này là kết quả quảng bá du lịch Đà Nẵng tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Đặc biệt là hiệu quả tác động rõ ràng của việc áp dụng chính sách thị thực từ ngày 15 tháng 8 năm 2023 nâng thời hạn tạm trú cho du khách quốc tế lên đến 90 ngày đến là tín hiệu tốt thu hút lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tham quan trong những tháng đầu năm 2024. 

Về xuất nhập khẩu 

Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 33,2 tỷ USD, tăng 34,5% so với tháng trước, mức tăng cao là do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và số ngày trong tháng 2 ít hơn các tháng khác, bên cạnh đó, xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản, công nghiệp chế biến cũng có tăng trưởng mạnh thật sự như hạt điều, gạo, hóa chất, chất dẻo, xơ sợi dệt..., riêng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 7% do xuất khẩu xăng dầu giảm mạnh (giảm 44,6%). Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm đạt 92,42 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó các nhóm ngành hàng đều có mức tăng từ 12,1-23,8% với sự tăng trưởng của các mặt hàng như cà phê, gạo, dầu thô, hóa chất, chất dẻo, xơ sợi, máy ảnh, linh kiện... 

Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 là 31,5 tỷ USD, tăng 35,2% so với tháng trước, trong đó mức tăng cao nhất tập trung vào nhóm hàng cần nhập khẩu (tăng 35,6%), tiếp đến là nhóm hàng hóa khác (tăng 33,3%), sau đó là nhóm cần kiểm soát (tăng 30,2%). Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm là 85,71 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó nhóm hàng cần nhập khẩu và nhóm hàng hóa khác có mức tăng lần lượt là 16,8% và 6,8%, riêng nhóm hàng cần kiểm soát giảm 3,8%. Sau 3 tháng, cán cân thương mại tiếp tục ở trạng thái xuất siêu với mức xuất siêu là 6,7 tỷ USD.  

Tài chính tiền tệ 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng tháng 2/2024, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đối với các khoản tiền gửi mới và cũ còn số dư ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,2-3,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-5,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,8-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,3% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm. 

Tỷ giá niêm yết của NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam ngày 25/3/2024 ở mức 24.590 USD/VND (mua vào) và 24.930 USD/VND (bán ra), tăng 2,12%/2,09% so với cuối năm 2023. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước, trong đó có nhiều nhóm giảm với mức giảm từ 0,01-0,76% do nhu cầu giảm sau Tết Nguyên đán nên giá nhiều nhóm mặt hàng như thực phẩm, văn hóa giải trí, hàng tiêu dùng (các nhóm đồ uống thuốc lá, hàng may mặc), cước vận tải (nhóm giao thông) giảm; bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ thị trường thế giới nên một số nhóm hàng như gạo, dầu diesel giảm đã tác động làm nhóm lương thực, giao thông giảm; một số nhóm khác như giáo dục giảm do một số địa phương giảm học phí theo Nghị định mới (Nghị định số 97/2023/NĐ-CP yêu cầu giữ nguyên mức học phí như năm trước sau khi đã thu theo mức tăng tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP), nhóm bưu chính giảm theo các chương trình khuyến mại. Một số nhóm tăng nhẹ với mức tăng từ 0,01-0,29% như nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tặng do nhu cầu sử dụng điện, nước tăng; nhóm y tế tăng do giá một số loại thuốc tăng khi chuyển mùa nhu cầu tăng; nhóm hàng hóa khác tăng do giá trang sức tăng. 

CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó các nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm lương thực (tăng 16,51%) do giá gạo xuất khẩu tăng mạnh từ cuối năm 2023 và ở mức cao đến nay; tiếp đến là nhóm giáo dục và y tế (tăng lần lượt 9,02% và 6,51%) do các địa phương điều chỉnh học phí và phí dịch vụ y tế theo lộ trình; tiếp đến là nhóm hàng hóa khác và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng lần lượt 6,2% và 5,4%) do giá, giá điện và nước sinh hoạt điều chỉnh tăng trong năm 2023, giá trang sức và công chế tác tăng; các nhóm còn lại tăng từ 1,21-3,53%, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,46%./.

 

 

Thanh Huyền-IpcKonTum  
Số lượt xem:162