Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 29/4 - 04/5/2024 |
7-5-2024 |
Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 29/4 - 04/5/2024 Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2024; Tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; Công nhận các xã đạt chuẩn NTM; NTM nâng cao; NTM kiểu mẫu về lĩnh vực Giáo dục; Phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024; Tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu; Phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển KTXH tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh; Quy định xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước; Chủ động ứng phó trước tình trạng hạn hán, thiếu nước năm 2024; Tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp QLBVR và PCCCR; Đảm bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 29/4 - 04/5/2024. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2024 Tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 30/4, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra năm 2024 của tỉnh Kon Tum được ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 12/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, cụ thể: Điều chỉnh, bổ sung 9 cuộc thanh tra (Kế hoạch của Thanh tra tỉnh 01 cuộc; Kế hoạch thanh tra của các cơ quan chức năng 08 cuộc); Điều chỉnh giảm 02 cuộc thanh tra (Kế hoạch của Thanh tra tỉnh 01 cuộc; Kế hoạch thanh tra của các cơ quan chức năng 01 cuộc). Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 12/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2024 của tỉnh Kon Tum. Tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp Thực hiện ý kiến của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tại Công văn 1472/UBND-KGVX ngày 30/4, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch của UBND tỉnh về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tỉnh giai đoạn 2020-2030. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai hiệu quả những quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định. Tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chỉ đạo của UBND tỉnh. Giao các cơ quan liên quan tăng cường triển khai công tác huấn luyện, đào tạo, thông tin, truyền thông về vệ sinh lao động bệnh nghề nghiệp cho các cơ sở lao động; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp; Chỉ đạo các cơ sở quan tâm đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động; đổi mới dây chuyền công nghệ; xây dựng, hoàn thiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn lao động... Công nhận các xã đạt chuẩn NTM; NTM nâng cao; NTM kiểu mẫu về lĩnh vực Giáo dục Ngày 01/5, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Quyết định công nhân 6 xã thuộc các huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Plông đạt chuẩn xã NTM; xã NTM nâng cao; xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực Giáo dục, gồm: (1) Công nhận xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn xã NTM năm 2023; (2) Công nhận xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023; (3) Công nhận xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà đạt chuẩn xã NTM năm 2023; (4) Công nhận xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực Giáo dục năm 2023; (5) Công nhận công nhận xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà đạt chuẩn xã NTM năm 2023; (6) Công nhận xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông đạt chuẩn xã NTM năm 2023 theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện và xã liên quan có trách nhiệm tổ chức công bố các quyết định theo quy định; tiếp tục chỉ đạo, thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong thời gian tới... Phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2024 Tại Công văn số 1490/UBND-HTKT ngày 02/5, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng, chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa bão. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai. Rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu khu vực; xác định mức độ ảnh hưởng của tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn để lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân; Rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập. Đề nghị chủ đầu tư các công trình đang thi công xây dựng đôn đốc các nhà thầu thi công lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão; Rà soát, đôn đốc chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ hàng năm, thực hiện quản lý vận hành đập, hồ chứa tuân thủ quy định. Đánh giá, cảnh báo cho Nhân dân đối với các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét; xây dựng phương án cảnh báo và chủ động di dời người dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa. Tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; tại Công văn số 1494/UBND-KTTH ngày 02/5, Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm theo đúng quy định (nếu có). Yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, gian lận thương mại, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử…; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân thực hiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn theo quy định... Phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển KTXH tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh Ngày 02/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 238/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá, làm rõ thực trạng, xác định cụ thể các nguyên nhân của các hạn chế, bất cập trong phát triển KTXH; đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, trọng tâm là cải thiện sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, gắn với phát triển KTXH 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh theo hướng đạt mức bình quân của huyện Đăk Glei, đời sống người dân cải thiện từ vật chất đến tinh thần. Tổng nhu cầu đầu đầu tư hỗ trợ phát triển KTXH giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn 2 xã là 250.019 triệu đồng (trong đó, xã Mường Hoong khoảng 132.925 triệu đồng và xã Ngọc Linh khoảng 117.094 triệu đồng). Quy định xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước Ngày 03/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2024/QĐ-UBND Quy định xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp tỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) tỉnh Kon Tum. Theo đó, đề xuất đặt hàng phải đáp ứng một trong các căn cứ, như: Yêu cầu của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Nghị quyết, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh; kế hoạch phát triển KTXH của địa phương; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch KHCN của tỉnh 05 năm và hằng năm; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh; Các chương trình KHCN cấp tỉnh (nếu có); Những vấn đề KHCN đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của tỉnh về quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh và phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh. Quyết định quy định chi tiết yêu cầu đối với nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; Tổ chức xác định nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; Tổ chức xác định nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh liên quan đến bí mật Nhà nước... Chủ động ứng phó trước tình trạng hạn hán, thiếu nước năm 2024 Tại Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 03/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là ở khu vực ngoài vùng công trình phụ trách tưới. Xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; thực hiện công tác khắc phục hạn, hán, thiếu nước, theo phương châm 4 tại chỗ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trong trường hợp hạn hán gây ra thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến; xây dựng cụ thể kế hoạch chống hạn và phương án cấp nước cho sản xuất, dân sinh trên địa bàn do đơn vị quản lý... Tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp QLBVR và PCCCR Để chủ động triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong thời gian tới, tại Công văn số 1519/UBND-NNTN ngày 04/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh. Quán triệt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh... Yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã, các đơn vị chủ rừng, lực Kiểm lâm và các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý; tổ chức trực phòng cháy chữa cháy 24/24h, kịp thời phát hiện và xử lý các đám cháy ngay từ đầu; đảm bảo phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cháy rừng xảy ra trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý... Đảm bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo; tại Công văn số 1525/UBND-HTKT ngày 04/5, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian. Chủ động phối hợp, hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư các nhà máy điện trong triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án điện, các thủ tục liên quan đến rừng, đất lúa theo thẩm quyền, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách; làm việc với chủ đầu tư các nhà máy thủy điện có kế hoạch sử dụng nước tối ưu nhất, vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời ưu tiên tối đa nguồn nước dự phòng phục vụ phát điện trong thời gian cao điểm; Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp tối ưu, ứng dụng công nghệ tự động, sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế đèn tiết kiệm điện... trong chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh; có giải pháp phù hợp để quản lý, vận hành hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân nhất là trong thời gian cao điểm...
|
Ngọc Tú-ipckontum |
Số lượt xem:115 |