Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 12- 16/8/2024
19-8-2024

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 12- 16/8/2024

Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030; Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công; Tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản; Công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2024; Thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; Cho phép thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh; Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 12 - 16/8/2024. 

Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030 

Tại Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 12/8, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các chỉ tiêu chính: Về tỷ lệ đô thị hóa, đến 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; đến 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50 - 52%. 

Giai đoạn đến năm 2025, toàn tỉnh có 08 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II, 03 đô thị loại IV và 04 đô thị loại V; Giai đoạn đến 2030, toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II, 05 đô thị loại IV và 06 đô thị loại V. 

Giai đoạn đến 2025, tỷ lệ đất xây dựng đô thị toàn tỉnh trên diện tích tự nhiên đạt khoảng 1,043%; Giai đoạn đến 2030, tỷ lệ đất xây dựng đô thị toàn tỉnh trên diện tích tự nhiên đạt khoảng 1,443%. 

Định hướng phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn...

Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công 

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công, tại Công văn số 2845/UBND-KTTH ngày 12/8, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW. 

Tập trung vào một số nội dung chủ yếu, như: Hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; Rà soát, hoàn thiện và tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Khẩn trương có giải pháp đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, ban hành đơn giá sản phẩm, giá dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công thuộc phạm vi, lĩnh vực của ngành mình quản lý; Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa tại các đơn vị sự nghiệp công lập... 

Tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống đuối nước trẻ em 

Ngay sau tai nạn đuối nước làm tử vong 3 người tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tại Công văn số 2860/UBND-KGVX ngày 13/8, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; kịp thời thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình người bị tai nạn đuối nước... 

Theo đó, yêu cầu UBND huyện Sa Thầy khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng gia đình nạn nhân; chỉ đạo, thực hiện kịp thời việc hỗ trợ gia đình tổ chức mai táng các nạn nhân theo quy định. 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, như: làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt; làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông suối, các khu vực nước sâu, nguy hiểm trên địa bàn quản lý; cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước… 

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến các gia đình, phụ huynh cần quan tâm quản lý con em mình để phòng ngừa cao nhất tai nạn đuối nước, không để xảy ra sự việc đau lòng tương tự; nhất là trong thời gian các cháu còn đang trong dịp nghỉ hè. 

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản 

Tại Công văn số 2861/UBND-NNTN ngày 13/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản đặc biệt là hành vi khai thác không đúng nội dung giấy phép theo quy định. 

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản; Tăng tần suất, thời lượng đưa tin tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản; phối hợp giám sát, phát hiện, đưa tin về các trường hợp vi phạm trong quản lý, khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh. 

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, kiểm tra việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; việc thẩm định và phê duyệt trữ lượng khoáng sản; việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ đã thanh tra, kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, việc xử lý vi phạm và khắc phục tồn tại, vi phạm; tổ chức kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, việc thực hiện các nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản, việc thực hiện các nội dung trong Dự án đầu tư đặc biệt là việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tuyển luyện quặng nhằm gia tăng giá trị khoáng sản đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, việc quản lý, kiểm soát sản lượng khoáng sản đã khai thác và mục đích tiêu thụ, sử dụng. Trường hợp phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, đánh giá, xử lý theo quy định của pháp luật... 

Công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2024 

Tại Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 13/8, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kon Tum năm 2024 cho 18 sản phẩm, gồm: (1) Cà phê đặc biệt Sáu Nhung của Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung; (2) Các sản phẩm: Chuối sấy JOY và Mít sấy OHJOY của Công ty TNHH Apanax; (3) Các sản phẩm: Trà Ô Long sâm Ngọc Linh và Trà Sâm dây Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum; (4) Các sản phẩm: Nước ép trái cây lên men cam và Mật ong lên men Sâm của Công ty TNHH đầu tư Thương mại Hồng Phát Kon Plông; (5) Các sản phẩm: Cao Sâm dây Bata, Trà Sâm dây Ngọc Linh Bata, Bột Sâm dây Ngọc Linh Bata và Sâm dây Ngọc Linh sấy dẻo Bata của Công ty Cổ phần nước giải khát Ngọc Linh; (6) Hạt mắc ca tách nứt của Công ty TNHH Mac Ca HD; (7) Các sản phẩm: Sam One 2 - Trà Sâm dây Ngọc Linh, Sâm dây Ngọc Linh sấy giòn và Đẳng sâm ngâm mật ong Ngọc Linh của Công ty Cổ phần dược liệu sạch Kon Tum; (8) Các sản phẩm: Cao sâm đông trùng Kon Tum, Đông trùng hạ thảo Sao Mai Kon Tum và Rượu sâm đông trùng hạ thảo Sao Mai Kon Tum của Công ty TNHH Chế biến Nông sản Sao Mai. 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024 chịu trách nhiệm tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các cơ sở công nghiệp nông thôn được công nhận theo đúng quy định. 

Thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng 

Triển khai ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Công văn số 2889/UBND-KGVX ngày 14/3, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Tăng cường phối hợp trong việc chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại các cấp, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng. 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên không gian đến từng trường học, lớp học, thôn, tổ dân phố, khu dân cư; giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng trẻ trên không gian mạng; Đa dạng đối tượng tuyên truyền, triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia không gian mạng. 

Cho phép thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh

Tại Quyết định số 472/QĐ-UBND ngày 14/8, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập Hội Người cao tuổi tỉnh Kon Tum, hoạt động trong phạm vi tỉnh Kon Tum. 

Theo đó, Hội Người cao tuổi tỉnh Kon Tum là tổ chức xã hội, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Hội Người cao tuổi Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động. 

Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt 

Tại Công văn số 2894/UBND-NNTN ngày 15/3, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn; các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống chính trị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, công dân nơi cư trú cùng thực hiện. 

Mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn tại cơ quan, đơn vị; thành lập tổ, đội vệ sinh giám sát việc phân loại CTRSH tại nguồn tại và đưa vào nội quy, quy chế của cơ quan, lấy đó làm cơ sở đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm. 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch, lộ trình triển khai công tác phân loại CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, thành phố; mỗi địa phương phải xây dựng được 01 mô hình thí điểm về phân loại CTRSH tại nguồn từ hộ gia đình, cá nhân đối với khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, triển khai rộng rãi mô hình đến toàn dân sau thời gian trên; Xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho việc đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; khuyến khích xã hội hoá trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH... 

Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 2918/UBND-KTTH ngày 16/8, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền dài hạn về tấm gương và những di sản quý báu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ lòng dân, nhất là thanh thiếu niên vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước. 

Tập trung rà soát, xác định vướng mắc, điểm nghẽn để tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Thi hành có hiệu quả các luật được thông qua có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và ngày 01/8/2024; Tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. 

Theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và có giải pháp đồng bộ đối với bệnh bạch hầu, dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thịt lợn ổn định, tránh giá cả đột biến tăng cao. Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ, tai nạn giao thông; chủ động phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ, sạt lở, hạn hán… Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án điều tiết bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. 

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, người có công với cách mạng. Tổ chức thiết thực, hiệu quả Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9.

 

 

Khắc Quang - Ipckontum  
Số lượt xem:68