Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 16- 20/9/2024 |
23-9-2024 |
Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 16- 20/9/2024 Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm; Triển khai công tác quản lý, điều hành và thông tin giá cả thị trường; Tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Chủ động ứng phó hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; Tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững; Ban hành Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 16 - 20/9/2024. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm Ngày 16/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3271/UBND-NC về phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung các văn bản luật, nghị quyết được thông qua thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước trên Trang TTĐT của đơn vị mình và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu. Tổ chức biên soạn tài liệu phổ biến luật ngắn gọn, dễ hiểu và đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản luật, nghị quyết được thông qua, các tài liệu PBGDPL trên Trang TTĐT của sở, ngành và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu. Tổ chức hướng dẫn, giải thích, cung cấp đầy đủ quy định của văn bản luật liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật khi công dân có yêu cầu trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc của công dân; chủ động nắm bắt, theo dõi, tháo gỡ các vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong quá trình tổ chức triển khai thi hành pháp luật... Triển khai công tác quản lý, điều hành và thông tin giá cả thị trường Tại Công văn số 3283/UBND-KTTH ngày 17/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị, nhất là các cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực giá hoặc được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực giá; Phối hợp, thông tin đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, chịu tác động của các cơ chế, chính sách về giá thuộc ngành, lĩnh vực. Nghiên cứu toàn diện các quy định về thẩm định giá của Nhà nước, các quy định về chuẩn mực thẩm định giá để triển khai công tác thẩm định giá của Nhà nước đúng phạm vi, trường hợp sử dụng phương thức thẩm định giá của nhà nước và đúng theo các quy định của pháp luật. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền. Rà soát, đánh giá tình hình đào tạo, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá nhà nước của các cơ quan, đơn vị trực thuộc để chủ động phối hợp với các đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thẩm định giá của Nhà nước. Tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 3320/UBND-NNTN ngày 18/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, các loại vật tư, sinh phẩm, các loại giống cây trồng, vật nuôi... của các cháu học sinh, người dân, doanh nghiệp sau thiên tai trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật; tập trung xử lý, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra (nếu có) để ổn định sản xuất, đời sống sinh hoạt của Nhân dân; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Giao Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhất mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá bất hợp lý, không đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động theo thẩm quyền có giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả; phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính, gây tác hại đến đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân trên địa bàn tỉnh theo quy định. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 Tại Công văn số 3344/UBND-KGVX ngày 19/9, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Nâng cao chất lượng GDMN, GDPT và GDTX; Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục QPAN và giáo dục thể chất, y tế trường học; Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, CCHC; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua; tăng cường công tác truyền thông giáo dục... Yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu và triển khai công tác tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương; tổ chức triển khai thực hiện công tác y tế trường học theo quy định; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo... Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất Ngày 19/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 48/2024/QĐ-UBND quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 103, Điều 104, Điều 109, Điều 111 Luật Đất đai 2024 và Điều 4, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 21, Điều 24 của Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Nghị định 88). Theo đó, UBND tỉnh quy định chi tiết các nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, cụ thể: (1) Tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi; (2) Bồi thường thiệt hại đối với nhà, công trình xây dựng; (3) Bồi thường, hỗ trợ do phải di dời mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất; (4) Bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ; (5) Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh theo quy định; (6) Bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn khi xây dựng công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn; (7) Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại cho vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển; (8) Bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất; (9) Hỗ trợ di dời vật nuôi; hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn; (10) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; (11) Hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Về cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn: Đối với đất bị thu hồi không có nhà ở, công trình xây dựng, mức thưởng tính bằng 5% giá trị bồi thường đất đai (không tính các khoản hỗ trợ), mức thưởng tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ; Đối với đất bị thu hồi có nhà ở, công trình xây dựng, 10 triệu đồng/hộ (trường hợp bị phá toàn bộ); 5 triệu đồng/hộ (trường hợp bị phá dỡ một phần)... Chủ động ứng phó hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất Ngày 20/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3362/UBND-NNTN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ; chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm "bốn tại chỗ", kịp thời xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; chủ động triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn theo từng kịch bản, cấp độ thiên tai theo quy định; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; thường xuyên kiểm tra các khu vực thường xuyên bị sạt lở đất, lũ, ngập lụt, các khu vực trũng thấp, ngập sâu và triển khai các phương án di dời, sơ tán dân; bảo vệ sản xuất.. và ứng phó phù hợp với tình hình thực tế theo quy định; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng về phòng chống thiên tai, đặc biệt là hướng dẫn cách nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; chủ động dự trữ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm... ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, khó khăn trong việc đi lại những tháng mùa mưa, lũ, bão... Tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững Tại Công văn số 3367/UBND-NNTN ngày 20/9 UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, chủ động ban hành chương trình, đề án, dự án về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của từng huyện, thành phố; lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý đất sản xuất trồng trọt; kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng; Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đất với sản xuất trồng trọt; phối hợp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về sức khỏe đất, đặc biệt đối với đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn tại địa phương; phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật.... Ban hành Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc Tại Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 20/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum, gồm: 770 thuốc hóa dược; 103 thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền; 149 vị thuốc cổ truyền. Giao Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc có trách nhiệm thực hiện mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc thuộc danh mục mua sắm được ban hành; Có văn bản thông báo về lộ trình, tiến độ mua sắm tập trung thuốc theo quy định. Các đơn vị, địa phương có trách nhiệm chủ động tổ chức lựa chọn nhà thầu mua thuốc theo quy định của pháp luật trên cơ sở thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung cấp địa phương...
|
Thanh Huyền-IpcKonTum |
Số lượt xem:53 |