Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 năm 2024 |
19-11-2024 |
Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 năm 2024 Ngày 18/11/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8449/VPCP-TH gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 năm 2024 Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương triển khai những nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 năm 2024 và thời gian tới như sau: Về phát triển kinh tế - xã hội Theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; phấn đấu GDP cả năm đạt trên 7% và hoàn thành 15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách nhà nước năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao; chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt trong các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống... bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dảnh chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Kiểm soát chặt giá đầu vào; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá cả theo quy định của pháp luật và phù hợp thị trường để kiểm soát, bình ổn giá cả, thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn, các dự án quan trọng, trọng điểm; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; tăng cường hoạt động của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công. Nắm chắc tinh hình thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác để điều tiết sản xuất, quản lý thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo dõi sát diễn biến, có biện pháp xử lý kịp thời tỉnh hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; tăng cường công tác quản lý, khai thác thủy sản, hải sản; thường xuyên cập nhật phương án ứng phó thiên tai trong các tháng cuối năm, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC) về IUU để đạt kết quả tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất kinh doanh; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ người dân tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Triển khai quyết liệt phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025” để đạt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Đẩy mạnh quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, môi trường y tế, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe; việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập; bảo đảm vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường quản lý biên giới, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua cửa khẩu, lối mở; kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là mua bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu, mua bán người. Chủ động ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý người nước ngoài, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt và Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước từ nay đến cuối năm 2024; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Kế hoạch hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt và Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước năm 2025. Tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và tự cường quốc gia, tham gia tích cực, hiệu quả hơn đối với các vấn đề mới, vấn đề chung của khu vực và thế giới. Tận dụng hiệu quả các FTA, đẩy mạnh vận động FDI chất lượng cao, ODA thế hệ mới, tài chính xanh, chuyển đổi số, logistics, bán dẫn…/.
|
Diệu Linh - Ipckontum |
Số lượt xem:4 |