Kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XII
6-12-2024

Kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XII

Sáng ngày 04/12, tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tóm tắt báo cáo kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XII. Cổng TTĐT tỉnh lược đăng nội dung báo cáo nêu trên. 

Trước và sau Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XII, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển 49 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh để xem xét giải quyết, trả lời cử tri (trong đó 44 ý kiến, kiến nghị liên quan lĩnh vực kinh tế - ngân sách, 02 ý kiến, kiến nghị lĩnh vực pháp chế và 03 ý kiến, kiến nghị thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội); các kiến nghị cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, Y tế, đất đai, giáo dục và Đào tạo, chế độ chính sách. 

Sau khi tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền, quy định, phù hợp với khả năng, nguồn lực của địa phương. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã giải quyết kịp thời, rõ ràng, đúng trọng tâm vấn đề đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân (trong đó, có 12/49 kiến nghị đã giải quyết xong, chiếm 24,5%; 01/49 kiến nghị đang giải quyết, chiếm 2,04%); 33/49 kiến nghị thông tin giải trình lại với cử tri, chiếm 67,34% và 03/49 kiến nghị chuyển UBND cấp huyện để theo dõi, phối hợp với các sở, ngành xem xét, giải quyết và thông tin lại cử tri, chiếm 6,12%). 

Đối với 28/49 kiến nghị (chiếm 57,14% tổng số kiến nghị) liên quan nguồn lực (đầu tư, sửa chữa cơ sở hạ tầng tại một số đoạn đường thuộc Quốc lộ 40 và các Tỉnh lộ: 671, 675, 679; sửa chữa một số đoạn đường, tấm đan, lưới chắn rác, mương thoát nước đã xuống cấp, hư hỏng..) nhưng chưa cân đối được nguồn để triển khai thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra tính cấp thiết, tham mưu kế hoạch, lộ trình ưu tiên để thực hiện, đồng thời thông tin đến cử tri để biết; những nội dung vượt thẩm quyền, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ ngành trung ương xem xét, giải quyết theo quy định. 

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh được lựa chọn, báo cáo các vấn đề mang tính chung nhất được cử tri quan tâm, cụ thể :

(1) Về lĩnh vực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cử tri kiến nghị xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư để đầu tư, nâng cấp các tuyến tỉnh, quốc lộ, tuyến đường Cửa khẩu phụ, huyện Đăk Glei (đoạn từ ngã ba xã Đăk Môn vào xã Đăk Long) đã hư hỏng, xuống cấp nặng, rất nguy hiểm cho người và các phương tiện khi lưu thông và các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh. 

UBND tỉnh trả lời: Việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường nêu trên cần có kinh phí khá lớn trong khi điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư dự án (trong đó đã đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng dự án sửa chữa, nâng cấp đường huyện ĐH85 từ ngã ba xã Đăk Môn đến Đồn biên phòng Đăk Long (673), huyện Đăk Glei với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng) nhưng đến nay chưa được cấp thẩm quyền thống nhất hỗ trợ. Hiện nay, địa phương đang thực hiện lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 08/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 05/9/2024 của UBND tỉnh, theo đó UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, báo cáo tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn trong giai đoạn 2026-2030 để thực hiện nâng cấp sửa chữa các tuyến đường phù hợp với các quy định và khả năng cân đối vốn. 

(2) Về chế độ chính sách cho đội ngũ Nhân viên y tế tổ dân phố thuộc phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, cử tri kiến nghị tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 79/2023/NQ-HĐND ngày 10/12/2023 của HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp đối với Nhân viên y tế thôn đặc biệt khó khăn và Nhân viên y tế tại các thôn còn lại. Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, việc chi trả chế độ hằng tháng đối với Nhân viên y tế thôn theo Nghị quyết số 79/2023/NQ-HĐND không áp dụng đối với Nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Như vậy, đối với Nhân viên y tế tổ dân phố thuộc phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp hàng tháng, gây khó khăn cho việc củng cố, kiện toàn đội ngũ Nhân viên y tế tổ dân phố trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh xem xét bổ sung quy định có chi trả phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ Nhân viên y tế tổ dân phố thuộc phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản quy định “Quyết định này không áp dụng đối với nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn”; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 79/2023/NQ-HĐND và không áp dụng đối với Nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn theo đúng quy định. Việc bổ sung quy định có chi trả phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ Nhân viên y tế tổ dân phố thuộc phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo kiến nghị của cử tri phải trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương. Do đó, sau khi có hướng dẫn của Trung ương về nội dung này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu theo đúng quy định (hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc hỗ trợ hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản và gửi lấy ý kiến các địa phương, đơn vị). 

(3) Về lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan làm việc với các nhà máy thủy điện trên địa bàn để có phương án vận hành nhà máy thủy điện, điều tiết nước phù hợp, tạo điều kiện cho người dân lấy nước tưới cà phê trong mùa khô (mùa khô năm 2024 vừa qua, nhiều hộ dân lấy nguồn nước từ sông Đăk Pxi phục vụ sản xuất, tưới cà phê nhưng không đủ nước).

 

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh và đề nghị các đơn vị, tổ chức quản lý vận hành đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước; chủ động tính toán, vận hành, khai thác, sử dụng nước cho phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước, đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa kiệt năm 2024; xây dựng, thực hiện kế hoạch điều tiết nước hằng năm của hồ chứa và tổ chức thông báo kế hoạch điều tiết nước gửi đến các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương có liên quan theo quy định;  phối hợp với cơ quan Điều độ hệ thống điện có thẩm quyền xây dựng kế hoạch vận hành, huy động công suất nhà máy thủy điện cho phù hợp; kịp thời có những điều chỉnh về kế hoạch vận hành phù hợp với thực tế, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm để dự trữ nguồn nước đáp ứng khả năng huy động của hệ thống trong những tháng cao điểm nắng nóng; đảm bảo cân đối, hài hòa giữa an ninh năng lượng và an toàn cấp nước, đặc biệt không ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy và yêu cầu sử dụng nước ở hạ du... 

Hiện nay, các đơn vị chủ sử dụng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh nói chung và các nhà máy thủy điện trên sông Đăk Psi nói riêng đã xây dựng hệ thống quan trắc và camera giám sát truyền dữ liệu về hệ thống giám sát tài nguyên nước theo quy định. Trong mùa khô của các năm tới, tỉnh tiếp tục đề nghị các đơn vị, tổ chức quản lý vận hành đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch điều tiết nước hằng năm của hồ chứa và tổ chức thông báo kế hoạch điều tiết nước gửi đến các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương có liên quan để biết và thực hiện tuân thủ theo quy định; tổ chức vận hành, điều tiết nước theo đúng quy trình, quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. 

(4) Về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, cử tri kiến nghị: Hiện nay, nhiều hộ dân trong các làng đồng bào DTTS không có đất sản xuất. Đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho những hộ dân này. 

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 54% dân số toàn tỉnh, theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 2.254 hộ thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất (trong đó, có khoảng 875 hộ thiếu hoặc không có đất ở; có khoảng 1.379 hộ thiếu hoặc không có đất sản xuất), ngày 14/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó quy định “chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS tại Dự án 1, Dự án 2 thuộc Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ”, để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất và tăng cường triển khai các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời, triển khai Công văn số 1286-CV/TU ngày 05/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2230/UBND-KGVX ngày 25/6/2024 giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đặc biệt là Dự án 1 Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), các quy định của pháp luật và tình hình thực tế tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện, tham mưu cấp thẩm quyền chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS trên địa bàn quản lý đảm bảo phù hợp theo tình hình thực tế của từng địa phương; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, nắm chắc danh sách các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; xác định nhu cầu, nội dung, đối tượng thụ hưởng để ưu tiên hỗ trợ từ nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Dự án 1, Dự án 2 thuộc Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (trước mắt, hoàn thành bố trí, hỗ trợ đối với số hộ thực sự khó khăn trong năm 2024). 

(5) Về công tác đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho các già làng, người có uy tín thôn tham gia các lớp tập huấn tại huyện Ngọc Hồi khi có kế hoạch và các đợt mở lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức. 

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Năm 2024, công tác đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức Đoàn đại biểu người có uy tín đi học tập kinh nghiệm đã được UBND tỉnh đã có các kế hoạch ban hành các Kế hoạch về đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình các cấp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức Đoàn đại biểu người có uy tín đi học tập kinh nghiệm... Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc đã phối hợp với địa phương tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín, tổ chức tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông; các huyện còn lại được tổ chức 04 lớp tại trung tâm thành phố Kon Tum; Đối với tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, tổ chức 41 lớp cho khoảng 4.100 người tại trung tâm thành phố Kon Tum và 74 lớp cho khoảng 3.600 người tại trung tâm các huyện, thành phố. Trong thời gian tới, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín và các lớp tập huấn, nâng cao năng lực phù hợp với tình hình thực tế, đúng theo các quy định hiện hành. 

(6) Về chế độ, chính sách đào tạo cán bộ quân sự cấp xã, cử tri kiến nghị: Thực hiện Kế hoạch số 3536/KH-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã đạt trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở giai đoạn từ năm 2022-2025, tỉnh Kon Tum có các học viên được cử đi đào tạo tại Trường Quân sự Quân khu 5. Trong quá trình đào tạo, học viên được hưởng các chế độ theo quy định tại Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự xã phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo (như: chế độ phụ cấp, hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe, bảo đảm quân trang…). Nhưng từ tháng 9/2022 đến nay, các học viên của tỉnh không được hưởng các chế độ này. Do đó, đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ đối với học viên tham gia đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định. 

Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Việc đào tạo cán bộ quân sự cấp xã hiện nay được thực hiện theo quy định Luật Dân quân tự vệ năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020), trong đó tại khoản 5 Điều 37 quy định “Nhiệm vụ chi của Bộ Quốc phòng: Đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở”. Như vậy, từ ngày 01/7/2020 trở đi, kinh phí đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thuộc nhiệm vụ chi của Bộ Quốc phòng bố trí cho Trường quân sự Quân khu 5 thực hiện đào tạo theo quy định; theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ quân sự cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời việc bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cấp xã tỉnh Kon Tum "Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với các Bộ, ban ngành Trung ương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản đảm bảo ngân sách thực hiện đào tạo Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã ngành quân sự cơ sở theo đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ". Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang dự thảo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định một số điều của Luật Dân quân tự vệ; sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện theo đúng quy định...

 

 

Diệu Linh - Ipckontum  
Số lượt xem:26